Sốt xuất huyết giảm mạnh, bệnh sởi nhăm nhe bùng phát

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội đã cơ bản được khống chế khi thành phố đã qua 11 tuần liên tiếp ghi nhận số ca mắc SXH liên tục giảm. Tuy nhiên bệnh sởi trên địa bàn Hà Nội lại đang  gia tăng số người mắc, có nguy cơ lan rộng thành dịch.

Theo Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Thủ đô đã cơ bản được khống chế. Có tới 5.042/5.243 ổ dịch SXH đã trải qua 14 ngày mà không ghi nhận thêm bệnh mắc mới.

Hà Nội cũng đã trải qua 11 tuần liên tiếp ghi nhận số ca mắc SXH liên tục giảm. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, hiện nay là thời điểm cuối của mùa dịch SXH, với số ca mắc SXH giảm như hiện nay, hy vọng hết tháng 11, Hà Nội sẽ chấm dứt dịch bệnh SXH và chỉ duy trì ở mức lưu hành từ 500 - 600 ca/tháng.

Tuy nhiên trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh giám sát và triển khai đồng bộ mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch SXH trên địa bàn. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên duy trì các thói quen vệ sinh nơi ở, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt, tuyệt đối không chủ quan.

Đáng chú ý, trong khi dịch SXH cơ bản được khống chế thì dịch sởi trên địa bàn Hà Nội lại đang có chiều hướng gia tăng số người mắc.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua, toàn thành phố đã ghi nhận thêm 12 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, nâng số người mắc bệnh này lên 168 trường hợp.

Đặc biệt, Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sởi là một bệnh nhi 8 tháng tuổi, ở huyện Đan Phượng. Ngoài ra, tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã ghi nhận 17 ca mắc sởi đều do chưa tiêm vaccine, trong đó một số trẻ mắc bệnh do chưa đến tuổi tiêm phòng nhưng bị lây nhiễm.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho trên 10 trường hợp bệnh nhân nhi bị sởi, phần lớn ở độ tuổi dưới một tuổi, chủ yếu đã bị biến chứng sang viêm phổi.

TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong vòng 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân mắc sởi, chủ yếu ở độ tuổi dưới 9 tháng.

TS Lâm cũng cho biết, hiện tại chưa phải mùa của bệnh sởi nhưng những tuần gần đây, số trẻ mắc sởi đã có dấu hiệu tăng lên bất thường nên cần phải đề phòng để tránh bùng phát lây lan thành dịch. Hơn nữa, bệnh sởi thường biến chứng rất nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết giảm mạnh, bệnh sởi nhăm nhe bùng phát ảnh 1 Tiêm vacccine phòng sởi đầy đủ là biện pháp phòng dịch hiệu quả trong tình hình bệnh sởi đang gia tăng người mắc

Trước tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm phòng vaccine sởi dù ở mức cao nhưng không thể đạt 100%. Hằng năm ngoài 97%-98% số trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn 2%-3% chưa được tiêm, chưa có kháng thể bảo vệ. Do đó, Bộ Y tế đang cho triển khai các đợt tiêm vét vaccine sởi để đảm bảo các trẻ trì hoãn tiêm được tiêm chủng đầy đủ phòng ngưa dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, năm nay, bệnh sởi đến sớm, vì vậy, nếu trẻ nhỏ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi mà chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ thì khả năng mắc bệnh là rất cao bởi bệnh sởi do vi rút sởi gây ra.

Để ngăn chặn bệnh sởi bùng phát thành dịch, Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh môi trường; tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh sởi đã ghi nhận.

Chỉ đạo các bệnh viện của Hà Nội tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng bệnh nhân để đảm bảo công tác cấp cứu điều trị kịp thời bệnh nhân sởi và các dịch bệnh khác.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch. Hướng dẫn người dân tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi cho trẻ để phòng bệnh. Đặc biệt, thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai tổ chức tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ 1 tuần/lần thay vì 1 tháng/lần như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục