Thập niên 1970, mưa axit từng là vấn nạn ở những nước công nghiệp phát triển lúc bấy giờ như Mỹ, các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các chất hóa học (chủ yếu là SO2, NO2) thải ra từ các nhà máy đốt than đá kết hợp cùng nước và O2 có trong khí quyển gây ra mưa có chứa axit sunfuric và axit nitric.
Những chất độc hại này tàn phá hệ động thực vật, hủy hoại môi trường sống. Nhà làm luật và quản lý môi trường ở Mỹ năm 1977 cho ra đời Đạo luật Không khí sạch (Clean Air Act), bắt buộc mọi nhà máy phát điện phải gắn máy lọc hơi đốt trong ống khói. Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những động thái tương tự. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Purdue (Mỹ) cho biết, nhờ những chính sách tích cực này mà hiện tượng mưa axit ở những nước trên đã giảm rõ rệt. Thế nhưng, điều đáng buồn là vấn nạn này đang dịch chuyển sang các quốc gia đang phát triển với tốc độ vũ bão (phần lớn tập trung ở châu Á), nơi mà những quy định về bảo vệ môi trường còn quá lỏng lẻo.
Theo tạp chí y khoa hàng đầu thế giới Lancet, vi chất độc chứa trong không khí dưới dạng hạt như bụi bặm, bụi phế thải công nghiệp, hóa chất, kim loại… là nguyên tố gây chết người cao nhất ở Trung Quốc. Nó được cho có liên quan đến cái chết của 1,2 triệu người Trung Quốc năm 2010. Loại chất độc cũng rất phổ biến ở Ấn Độ, khiến 600.000 người chết mỗi năm.
Năm 2009, 258 thành phố ở Trung Quốc được ghi nhận đã bị mưa axit tấn công. Con số này vẫn tiếp tục tăng. Thành phố Hạ Môn ở Trung Quốc nổi tiếng là nơi có môi trường trong sạch cũng phải công khai thừa nhận kết quả nghiên cứu từ Trung tâm kiểm soát môi trường Hạ Môn cho thấy, nồng độ pH nước mưa tại đây từ vài năm qua đã giảm dần, thường nhỏ hơn 5,6. Chúng ta thường dùng độ pH để cho thấy độ kiềm/axit. Mức 7 là mức trung tính, độ pH càng nhỏ thì tính axit càng cao.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố đến năm 2020, nước này sẽ giảm tỷ lệ khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) tính trên mỗi đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 40%-45% so với năm 2005. Ngoài ra, Trung Quốc còn lên kế hoạch tăng 40 triệu ha rừng vào năm 2020. Tuy nhiên, những mục tiêu này không nói lên được điều gì. Thực tế, Chính phủ Trung Quốc vừa cho biết tiêu thụ năng lượng của quốc gia phát thải ra lượng khí CO2 lớn nhất thế giới này đã tăng 3,9% trong năm 2012. Hơn nữa, nước này cũng đặt mục tiêu tiêu thụ than đá hàng năm lên mức 3,8 tỷ tấn đến năm 2015, tăng 800 tấn so với mức tiêu thụ năm 2009.
Ấn Độ, một trong những nền kinh tế mới nổi đáng chú ý chỉ đứng sau Trung Quốc về lượng mưa axit. Năm 1990, lượng SO2 nước này thải ra là 4,4 triệu tấn, sang đến năm 2000 là 6,5 triệu tấn, năm 2010 là 10,9 triệu tấn và ước tính đạt mức 18,5 triệu tấn năm 2020. Ở những khu đông dân cư như Delhi, Uttar Pradesh, Maharashtra, Madhya Pradesh, Tamil Nadu và thậm chí là Andaman Islands đều ghi nhận độ pH trong nước mưa quá thấp.
Các quốc gia đang phát triển được đánh giá có sức cạnh tranh cao nhưng họ đang lặp lại con đường của những nước phát triển đã từng đi. Họ cũng đang phải trả giá cho sự phát triển thần tốc của mình: môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, chất lượng sức khỏe người dân bị bỏ quên.
Như Quỳnh