Tham dự có đại diện Lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cùng các đại biểu đến từ các Vụ, Cục, Tổng Cục của Bộ Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế, các trường đại học y khu vực phía Nam.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người bệnh, có 1 người bệnh bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ khám chữa bệnh (trong đó có 50% nguyên nhân là phòng tránh được); 10 người bệnh, có tới 4 người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú; hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới…
Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ USD mỗi năm (chiếm tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra). Cùng với đó nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng tới 10% số người bệnh nhập viện, chẩn đoán chậm và không chính xác là 1 trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn hại cho người bệnh, ảnh hưởng tới hàng triệu người bệnh.
Tại Việt Nam, các trường hợp người bệnh bị tai biến y khoa được ghi nhận cũng không ít. Điển hình như các sự cố: gạc phẫu thuật bỏ quên trong bụng sản phụ; sản phụ tử vong tại bệnh viện; 3 trẻ ở Quảng Trị cùng tử vong sau tiêm vaccine; chỉ định mổ chân trái nhưng bác sĩ mổ chân phải; sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình…
Bác sĩ Vũ Đình Huy – Chuyên gia tư vấn của WHO tại Việt Nam cho biết, an toàn người bệnh đang là một vấn đề toàn cầu. Bởi thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại công tác chăm sóc y tế không an toàn. Nguyên nhân do hệ thống y tế phức tạp, có xu hướng mắc lỗi; trang thiết bị ngày càng hiện đại, thuốc men nhiều và phức tạp trong sử dụng; nhân viên y tế chịu nhiều áp lực; xu hướng chuyên khoa hóa quá sâu; quá tải bệnh viện, cơ sở hạ tầng chưa tốt; thiếu nhân lực; điều kiện vệ sinh kém; thiếu trang thiết bị và vật tư tiêu hao…
“Để hạn chế những sự cố y khoa, cần có sự tham gia tích cực của người bệnh và người nhà bệnh nhân vào quá trình điều trị, giao tiếp với nhân viên y tế bằng các câu hỏi, cung cấp đầy đủ chính xác tiền sử và bệnh sử của người bệnh. Đối với nhân viên và lãnh đạo y tế, cần đưa người bệnh và người nhà bệnh nhân tham gia vào quá tình chăm sóc; làm việc cùng nhau vì an toàn người bệnh; thường xuyên học tập nâng cao kiến thức an toàn người bệnh; tạo nên môi trường văn hóa an toàn và cởi mở khi chăm sóc người bệnh; không đổ lỗi và thẳng thắn nhìn nhận khi có sự cố y khoa. Ngoài ra, người làm chính sách cần nhìn nhận đầu tư vào đảm bỏa an toàn người bệnh mang lại lợi ích kinh tế; dùng bằng chứng khoa học để cải thiện an toàn người bệnh …”- bác sĩ Huy cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, 5 năm gần đây Bộ Y tế đã thay đổi quan điểm phục vụ, đổi mối từ cách nghĩ, cách làm, cách kiểm tra. Theo đó, thay đổi từ tư duy ban ơn thành tư duy người cung cấp dịch vụ phục vụ tốt cho người bệnh. Lấy người bệnh làm trung tâm, hướng đến an toàn cho người bệnh, hài lòng cho người bệnh. Bộ đã ban hành bộ 83 tiêu chí đảm bảo an toàn người bệnh, ban hành các thông tư, chỉ thị yêu cầu các BV, cơ sở y tế thực hiện đảm bảo an toàn cho người bệnh.
“Trước đây, khi xảy ra sự cố, các cá nhân, cơ sở y tế vẫn có tư duy giấu giếm. Đến nay việc báo cáo sự cố y khoa đã chủ động hơn nhằm tìm ra những nguy cơ để phòng ngừa. Đặc biệt, quá trình tiếp nhận và KCB cần có sự chỉnh chu hơn nữa từ tổ bảo vệ đến nhân viên y tế, ban giám đốc BV. Khi có sự cố, cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào sự thật để sửa sai mới có thể cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn…” – ông Khuê nhấn mạnh.