
Thời buổi “tốc độ” bây giờ, cầm cuốn sách trọn bộ gần 1.000 trang, khổ lớn nặng trịch, dù trong lòng thầm phục công phu của tác giả, người đọc cũng thấy ngại, nhất là khi tác giả thể nghiệm một cách viết chưa có tiền lệ, nên loại hình tác phẩm đã phải mang một dòng khá dài: truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử. Nhưng chính cách viết mới mẻ của Trần Xuân An, và nhất là cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường vốn chịu những luồng đánh giá phức tạp, ít ra cũng đã khiến độc giả phải tìm đọc.
Với vị trí Đệ nhất Phụ chính đại thần (tương tự như Thủ tướng), khi đất nước phải đối đầu với những bước chân xâm lược của thực dân Pháp, Nguyễn Văn Tường là một trong bốn đại thần đứng đầu phe chủ chiến (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn), nhưng tình huống éo le của lịch sử đã khiến ông phải nhận sự phân công ở lại Huế sống cùng giặc, trong lúc vua Hàm Nghi rời kinh thành, xuống chiếu cần vương, để rồi bị ngộ nhận, bị nhiều sách báo viết về lịch sử lên án là kẻ đầu hàng chống lại phe chủ chiến!
Qua nhiều tư liệu và lý lẽ, sự kiện ông bị giặc Pháp bắt đày tít tận đảo Tahiti gần xứ Nam Mỹ xa lắc (trước đó, chúng đã giam ông ở Côn Đảo nhưng không yên tâm!) rồi chết thảm thương ở đấy (năm 1886), đủ để đặt vấn đề ông là người như thế nào.

Vậy nhưng phải đợi đến thời đất nước “Đổi mới”, mở đầu là Hội nghị khoa học Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường do Trường Đại học Sư phạm TPHCM chủ trì (6-1996), tiếp theo là Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học Xã hội - Nhân văn Đại học Huế và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế chủ trì (7-2002), rồi Hội nghị Thông báo những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức (Hà Nội, 11 - 2003), “vấn đề Nguyễn Văn Tường” mới được bàn luận một cách công khai, những trang sử cũ mới được soi rọi với cách nhìn khách quan và tôn trọng sự thật, đưa đến kết luận: Nguyễn Văn Tường là “đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn” (GS Trần Văn Giàu).
Cần phải nói thêm, những tư liệu gốc mà bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh (hậu duệ của Nguyễn Văn Tường) và con gái, Trần Nguyễn Từ Vân, bỏ nhiều công phu sưu tầm tại Pháp và tận đảo Tahiti đã là chỗ dựa tin cậy cho kết luận nói trên.
Trần Xuân An đã “nhìn nhận nhân vật lịch sử một cách biện chứng, làm cho nhân vật Nguyễn Văn Tường trở nên sống động trong cái không gian và thời gian của một tấn bi kịch lớn - tấn bi kịch của cả một dân tộc và một triều đại đang phải đối diện với họa xâm lăng giày xéo” (Lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc).
Với rất nhiều công phu và sự cẩn trọng đặc biệt trong việc sử dụng, trích dẫn tư liệu (có cả ngàn chú thích tỉ mỉ tất cả những chất liệu “xây” nên công trình lớn này), tác giả đã tạo nên được sự tin cậy cho người đọc về một cách nhìn nhận công bằng nhân vật Nguyễn Văn Tường.
Nhưng có lẽ do quá chú trọng vào chất “ký” với mục đích xác tín sử học này, phần “truyện” trong công trình có thể loại tổng hợp của tác giả chưa phát huy được thế mạnh của nó, do đó tâm lý nhân vật, những trăn trở đau đớn của Nguyễn Văn Tường trong những tình thế oái oăm chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ.
Trước cuốn sách này, Trần Xuân An đã in 7 tập thơ và 3 cuốn tiểu thuyết. Với tư liệu đầy ắp và tay nghề đang độ chín, liệu anh có thể dựng một tiểu thuyết về nhân vật Nguyễn Văn Tường thể hiện được những ý tưởng sâu sắc và có sức cuốn hút người đọc?
* Nhân đọc cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường 1824-1886” của Trần Xuân An, NXB Văn nghệ TP.HCM,
12-2004.
NGUYỄN KHẮC PHÊ