
Trong kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn 5 là một trong 3 sư đoàn của Bộ Tư lệnh Miền, được thành lập năm 1965, đã từng bước trưởng thành; từ tác chiến cấp đại đội, tiểu đoàn “đánh nhanh diệt gọn” khi có thời cơ, rồi nhanh chóng di chuyển đến đánh theo yêu cầu trong đội hình trung đoàn, sư đoàn, hành quân trong các chiến dịch, tác chiến hợp đồng binh chủng.
Tháng 4-1974, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho sư đoàn xuống Đồng Tháp Mười, xây dựng sư đoàn chủ lực mạnh; phối hợp với các đơn vị chủ lực và địa phương Quân khu 8 tiêu diệt các đồn bót, đánh các loại địch; tạo thế đứng vững trên chiến trường Đồng Tháp Mười. Thực hiện nhiệm vụ này, sư đoàn đã diệt một số đồn bót ở biên giới như đồn Phước Tân, Bình Châu, Ông Tờn, Cây Da, Long Khốt.

Sư đoàn 5 tiến công địch ở Long An.
Cuối tháng 12-1974, các đơn vị đã xuống Đồng Tháp Mười; tháng 1-1975, đánh Tiểu đoàn 502 và Chiến đoàn 2 thiết giáp ngụy tại Gò Da, diệt được hàng chục đồn tam giác trên sông Vàm Cỏ Tây. Trung đoàn đặc công tấn công bức rút căn cứ 75 Hải quân.
Tính đến tháng 3-1975, sư đoàn đã phối hợp với Quân khu 8 tiêu diệt khoảng 2.000 tên địch, san bằng và bức rút 25 đồn bót, đánh đắm 6 tàu chiến, bắn cháy 3 máy bay, hỗ trợ nhân dân nổi dậy làm chủ 20 xã, 220 ấp, giải phóng 330.000 dân, giải phóng Tuyên Nhơn, Tuyên Bình.
Lực lượng của sư đoàn đã bố trí sẵn sàng tấn công vào thị xã Mộc Hóa, nhưng ngày 5-4 lại được lệnh dừng lại và chuyển lực lượng tấn công Tân An. Sư đoàn đã vượt 87km từ Đồng Tháp Mười đến chiến trường. Đêm 10-4, Trung đoàn 1 tấn công thị xã Tân An, sân bay Cần Đốt, Trung đoàn 3 tấn công Thủ Thừa, Trung đoàn 2 đánh địch ở khu vực Bắc sông Vàm Cỏ Tây.
Ngày 24-4 Chỉ huy Đoàn 232 triệu tập Sư đoàn trưởng Vũ Thược và Chính ủy Nguyễn Xuân Hòa (đi bộ, đi xuồng khoảng 50km đến Sở Chỉ huy) để giao nhiệm vụ: “Sư đoàn phải thực hiện chia cắt chiến lược đường 4 (bây giờ là đường 1) đoạn từ Bến Lức đến Tân Hiệp từ ngày 26-4, không để địch tháo chạy về miền Tây, không cho địch từ miền Tây về ứng cứu Sài Gòn”. Lúc này sư đoàn có được 2 khẩu pháo 105, để đưa đến chiến trường, đơn vị đã tháo pháo ra khiêng bộ, đi xuồng vượt 67km đường sình lầy đến vị trí tập kết. Thật là một kỳ công thể hiện quyết tâm rất cao.
Ngày 26-4, Trung đoàn 3 vượt sông, tấn công Chi khu quân sự Thủ Thừa. Địch tăng cường thêm 4 tiểu đoàn, ta không giành được thắng lợi, phải trụ lại đánh phản kích giữ thế đứng ở Nam đường 4. Đêm 27-4, Trung đoàn 2 tiêu diệt 4 cụm địch quanh đường 4. Trung đoàn 1 tấn công địch ở Củ Chi, nhân dân nổi dậy làm chủ 3 xã ở Phú Mỹ, Củ Chi, Tân Hương.
Rạng sáng 28-4, địch tập trung lực lượng mạnh, phản kích ác liệt từ Bến Lức đến Tân Hiệp. Trung đoàn 42, Sư đoàn 22 ngụy cùng 2 chi đoàn thiết giáp phản công ở cầu Rạch Chanh, cầu Voi. Trung đoàn 2 đẩy lùi 7 đợt phản công của bộ binh và xe tăng địch, bắn cháy 2 xe M113. Trận địa pháo 105, ĐKB, H12 của ta liên tục bắn áp chế các trận địa pháo địch ở Thủ Thừa, Nhi Bình, Tân An. Đến 8 giờ sáng địch khôi phục được vị trí cầu Voi. Máy bay địch đánh bom vào khu vực sư đoàn bộ. Đêm 29-4, sư đoàn lệnh các đơn vị tấn công, chiếm các mục tiêu đã được phân công.
Đến 9 giờ sáng ngày 30-4, sư đoàn đã làm chủ đường 4 từ Bến Lức đến Tân Hiệp. Đoàn xe địch tháo chạy bị ùn tắc dài hàng cây số, giày và quần áo lính ngụy rải dài trên đường. Ở Tân An, 2 Tiểu đoàn biệt động ngụy kéo cờ trắng đầu hàng.
Sư đoàn 5 lúc đó mới 10 tuổi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chia cắt chiến lược trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trung tướng NGUYỄN XUÂN HÒA