Sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi: Xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm

(SGGP).- Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc; sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề bức xúc, nguy hại cho sức khỏe người dân, gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, thương hiệu quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác phòng chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi.

Theo đó, Bộ NN-PTNT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý về phân bón hữu cơ, phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trong phạm vi cả nước. Bộ phải công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về quản lý, sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Trong quý 1-2016, chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ động phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, nhập lậu không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng; buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển xử lý hình sự.

Ngày 10-12, trước hiện tượng doanh nghiệp hóa dược bán nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol ra bên ngoài cho một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol. Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc tạm dừng nhập khẩu 2 nguyên liệu trên vì đây là các nguyên liệu sản xuất thuốc đang bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi nhằm tạo nạc thịt gia súc, gia cầm. Đối với các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol đã nhập khẩu trước đó, Cục Quản lý dược yêu cầu chỉ được dùng để sản xuất thuốc tại công ty hoặc bán cho các công ty khác có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi sản xuất thuốc, hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực.

LÂM NGUYÊN - QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục