Nhằm tăng cường sự nhận biết của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bình ổn, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường triển khai đồng bộ sử dụng Logo Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) trên sản phẩm bình ổn kể từ ngày 1-1-2015.
Dán logo lên bao bì sản phẩm
Theo Sở Công thương, năm 2014, song song với công tác triển khai các chương trình bình ổn, UBND TPHCM đã chỉ đạo xây dựng và sử dụng logo nhằm tăng cường sự nhận biết của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bình ổn. Đến nay, sau 9 tháng triển khai CTBOTT năm 2014, có 68/68 DN sản xuất, kinh doanh của 4 chương trình đều đã đăng ký sử dụng logo (đạt tỷ lệ 100%). Riêng 8 tổ chức tín dụng, ngân hàng không có sản phẩm cụ thể nên nhu cầu sử dụng không cao, tuy nhiên Ngân hàng TMCP Đông Á đã đăng ký sử dụng logo BOTT (tờ rơi, banner, trên các phương tiện thông tin truyền thông...).
Về nội dung đăng ký, hiện các DN chủ yếu in ấn logo trên băng rôn, bảng chỉ dẫn, bảng niêm yết giá tại điểm bán. Cụ thể: có 68/68 DN sử dụng trên băng rôn, bảng chỉ dẫn, bảng niêm yết giá tại các điểm bán BOTT; 33/68 DN sử dụng trên bao bì sản phẩm, gồm 21/37 DN lương thực, 8/15 DN mùa khai giảng, 3/4 DN sữa và 1/12 DN dược phẩm; sử dụng trên phương tiện xe tải có 20/68 DN, 9/37 DN lương thực, 4/15 DN mùa khai giảng, 3/12 DN dược. Một số DN cũng đăng ký sử dụng trên website, tờ rơi, phương tiện truyền thông báo chí...
Kể từ ngày 1-1-2015 tất cả các sản phẩm bình ổn thị trường sẽ được in logo của chương trình trên bao bì. Trong ảnh: Sản xuất xúc xích cho chương trình bình ổn tại Công ty Vissan. Ảnh: TƯỜNG DÂN
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng logo, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu riêng, nhân rộng mô hình sử dụng logo, Sở Công thương đã tập trung vận động, khuyến khích các DN in ấn và sử dụng logo trên bao bì sản phẩm bình ổn. Theo kế hoạch, ngày 1-1-2015, logo sẽ được sử dụng đồng loạt tại các DN và sản phẩm bình ổn.
Một số DN tỏ ra lo lắng khi cho rằng, đối với các DN sản xuất sẽ kiểm soát tốt hơn việc in ấn logo trên sản phẩm nhưng với các DN phân phối thì công tác này sẽ khó khả thi, do hiện còn một lượng hàng tồn kho khá lớn, phải giải quyết số hàng hóa này ra sao? Giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương yêu cầu các DN cần rà soát lại hàng hóa, với các loại bao bì đã in mà chưa có logo, có thể tiến hành dán logo trên bao bì sản phẩm, với các bao bì mới, logo phải được in trực tiếp. “Việc thiết kế và đưa logo vào bao bì sản phẩm sẽ thể hiện sự khác biệt của các mặt hàng trong chương trình, giúp người dân dễ dàng nhận biết sản phẩm bình ổn và không bình ổn. Do vậy, các DN cần khẩn trương triển khai để tạo sự đồng bộ trong quá trình thực hiện chương trình bình ổn” - bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Tăng cường kiểm tra cung ứng hàng hóa
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính cho biết, trong năm 2014, giá bán hàng bình ổn tương đối ổn định so với các năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 7-2014 đến nay, giá xăng dầu đã điều chỉnh 15 lần, với tỷ lệ giảm từ 26% - 30% đã tác động mạnh đến các loại hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là với dịch vụ vận chuyển hàng hóa và cước phí vận chuyển. Để đảm bảo mục đích, tiêu chí của chương trình bình ổn, Sở Tài chính đề nghị các DN tham gia rà soát lại cơ cấu giá thành, tính toán tác động từ mức giảm giá xăng dầu đến chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác cấu thành giá bán các mặt hàng, đồng thời có báo cáo chi tiết hoặc kê khai lại mức giá bán cho phù hợp với chi phí đầu vào và diễn biến thị trường.
Ông Phạm Quý Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán, các sở, ngành chức năng sẽ tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế, đồng thời giám sát việc thực hiện cung ứng và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Do vậy, các DN, hệ thống siêu thị, các chợ nên tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh tình trạng vi phạm. Trong quá trình triển khai thực hiện chuẩn bị hàng tết, nếu các DN gặp khó khăn, vướng mắc báo cáo ngay đến Tổ Công tác BOTT để tìm biện pháp tháo gỡ .
HẢI HÀ
|