
Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất mà Trường Đại học Bách khoa TPHCM vừa công bố. Theo đó, sự bất hợp lý trong cơ cấu đi lại của người dân, với việc sử dụng quá nhiều xe gắn máy thay vì sử dụng phương tiện công cộng, đã khiến TP lãng phí gần 3.500 tỷ đồng/năm chi phí năng lượng. Thế nhưng cho đến nay làm thế nào để tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực giao thông vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm.
Nhiên liệu xe máy tiêu hao gấp 92 lần xe buýt

Lượng xe gắn máy lưu thông trong TP chiếm đa số.
Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (Trường Đại học Bách khoa TPHCM), sự bất hợp lý trong cơ cấu đi lại của TP là có quá nhiều xe gắn máy và quá ít phương tiện lưu thông công cộng.
Trong khi đó, nếu tính về hiệu quả sử dụng năng lượng để vận chuyển hành khách trên cùng một quãng đường thì hiệu quả sử dụng nhiên liệu của xe gắn máy thấp nhất.
Cụ thể, đối với xe gắn máy, tiêu hao nhiên liệu cho một xe là 0,03lít/km. Chỉ số hành khách cho 1 xe gắn máy là 1,4 người. Chỉ số tiêu hao nhiên liệu là 0,022lít/hành khách.
Còn đối với xe buýt tiêu hao nhiên liệu 0,15lít/km. Chỉ số hành khách cho một xe là 34 người. Chỉ số tiêu hao nhiên liệu là 0,0044lít/hành khách. Điều này cho thấy nếu tăng cường sử dụng phương tiện công cộng thì hiệu quả sử dụng nhiên liệu rất cao.
Nhưng, TP hiện có khoảng 4.330.000 xe cơ giới các loại đang lưu thông, trong đó có đến 79% phương tiện lưu thông xe gắn máy, 4,5% là xe buýt, 2,4% là taxi, 8% là xe đạp, 1,4% là xe con, 3,6% là xích lô và đi bộ.
Kết quả nghiên cứu cụ thể trên một tuyến đường trọng điểm An Sương – Cộng Hòa – Bến Bạch Đằng vào giờ cao điểm và thấp điểm cũng cho thấy xe gắn máy tiêu thụ đến 77% lượng nhiên liệu trên cả tuyến, xe buýt là 3% và xe du lịch là 20%.
Còn tính theo dòng xe và trên một hướng, lượng tiêu thụ nhiên liệu của xe gắn máy cũng vượt gấp 30,5 lần vào giờ cao điểm và gấp 59 lần vào giờ thấp điểm so với xe buýt. Chúng tôi đã làm một phép tính đơn giản như sau: lấy trung bình chiều dài một chuyến đi là 6km/người/ngày; số lần đi hiện nay là 2,7 lần/người và lấy trung bình 70% số dân TP đi lại trong một ngày (khoảng 7,5 triệu người) thì trung bình mỗi ngày xe gắn máy tiêu hao là 1.628.853lít, gấp 92 lần xe buýt; xe con và taxi 209.933lít.
Điều đáng nói là việc mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu phương tiện giao thông như trên không những khiến cho nhiên liệu sử dụng không hiệu quả mà gây quá tải cho hạ tầng giao thông, gây lãng phí năng lượng và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Và, nếu quy đổi ra tiền thì sự bất hợp lý trong cơ cấu đi lại đã khiến cho TPHCM lãng phí khoảng gần 3.500 tỷ đồng/năm chi phí năng lượng.
Tốc độ gia tăng số lượng xe gắn máy gần 12%/năm
Thế nhưng vấn đề chưa dừng lại đó. Bởi lẽ khoảng cách chênh lệch giữa các phương tiện lưu thông còn tăng lên nhanh chóng khi mà mỗi ngày có thêm 1.000 – 1.300 xe gắn máy và 100 – 150 xe ô tô đăng ký mới. Tốc độ tăng trưởng xe gắn máy trung bình từ khoảng 300.000 – 350.000 xe/năm, tức là khoảng 10% – 12%/năm.
Hiện nay, với con số trên, bình quân khoảng 1,5 người dân TP sử dụng 1 xe có động cơ hay 2 người có 1 xe gắn máy. Dự đoán trong những năm tới số lượng xe gắn máy trong TP sẽ đạt ngưỡng 1,5 người có 1 xe gắn máy. Con số này còn lớn hơn so với các TP có mật độ xe có động cơ cao nhất thế giới như Los Angeles (Mỹ) - khoảng gần 2 người cho 1 xe có động cơ.
Có thể nói, với sự phát triển nhanh chóng của việc đô thị hóa cùng sự phát triển mạnh về kinh tế xã hội, hệ thống giao thông TP đã bị quá tải. Việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân trong TP gặp nhiều khó khăn, nhất là khi hệ thống giao thông công cộng chỉ mới đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu.
Với một cơ cấu đi lại chủ yếu là xe cá nhân (xe gắn máy) đã và đang làm ách tắc giao thông trầm trọng tại đa số các tuyến và nút giao thông, dẫn đến chi phí đi lại tăng cao, tiêu hao nhiều nhiên liệu và ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Do đó, TP và các cơ quan chức năng cần thiết có biện pháp và chính sách nhằm giảm lượng xe gắn máy tại các TP. Cụ thể, hạn chế việc sử dụng xe gắn máy làm phương tiện đi lại qua các chính sách về thuế (thuế sản xuất, thuế nhiên liệu…), về hạn chế nhập khẩu, sản xuất và lưu hành xe gắn máy tại các TP lớn.
Thay vào đó là việc sử dụng phương tiện công cộng sẽ cho phép tiết kiệm được một khoản nhiên liệu lớn cũng như một khoản ngoại tệ lớn
ÁI VÂN