Ngày 2-6 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị “Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp” nhằm tổng hợp các ý kiến đóng góp về công tác thực thi pháp luật phòng vệ thương mại, những bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia. Qua đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mới chỉ áp dụng cho 6 vụ việc
Báo cáo tổng kết thực thi 3 pháp lệnh về tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết sau hơn 10 năm ban hành pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống bán phá giá.
Nhìn vào con số trên, đặc biệt là trong tương quan với số lượng rất lớn các vụ việc được tiến hành trên thế giới (311 vụ tự vệ, 4.757 vụ chống bán phá giá và 380 vụ chống trợ cấp), thì Việt Nam đã sử dụng rất ít các biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng lưu ý, cho dù pháp luật đã được xây dựng hơn 10 năm nhưng các biện pháp này chỉ mới bắt đầu áp dụng thực sự trong khoảng 5 năm gần đây. Thực tiễn này đánh dấu sự trưởng thành của các cơ quan điều tra cũng như thái độ mạnh dạn và tích cực của các DN đối với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực của hàng hóa nhập khẩu, vì các hàng rào thuế quan ngày càng được dỡ bỏ và xu hướng được đưa về đích từ 0% - 5%.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc VCCI, tỏ ra lo ngại khi có rất ít các DN quan tâm đến các công cụ này trong bối cảnh hiện nay vì nhiều lý do. Trong quá trình sử dụng công cụ này, DN bị vướng rào cản về cơ chế khai thác thông tin nên Nhà nước cần có sự điều chỉnh về mở rộng phạm vi thông tin xuất nhập khẩu mà DN được phép tiếp cận. Cần có dịch vụ cung cấp thông tin chuyên sâu cho các DN.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cũng cho rằng biện pháp tự vệ là công cụ khẩn cấp nhằm loại bỏ trước mắt những thiệt hại do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp này được áp dụng trong điều kiện thương mại công bằng, là van an toàn trong một khoảng thời gian nhất định khi hàng hóa nhập khẩu đang cạnh tranh với hàng hóa trong nước. Nhưng khi sử dụng, nước áp dụng có thể sẽ phải đối mặt với yêu cầu đền bù từ nước bị áp dụng.
Thép không gỉ cán nguội nhập khẩu là mặt hàng được Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ẢNH: CTV
Cần có sự chuẩn bị về pháp lý và nhân lực
Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương, sự hợp tác giữa DN bản địa và DN nước ngoài trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng khăng khít, thậm chí nhiều trường hợp đã thực sự hòa quyện với nhau. Một khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, giá trị vốn đầu tư của nước ngoài dự kiến tăng 25% - 35%/năm và quan hệ DN nội - ngoại càng khăng khít, rất khó phân biệt. Cũng theo ông Thắng, trong trường hợp này, nhà nhập khẩu rất dễ nấp dưới hình thức nhập nguyên liệu, thậm chí chuyển toàn bộ quá trình sản xuất vào Việt Nam để gia công và bán hàng hóa đó trên thị trường nhằm trốn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam. Đây là tình huống cần phải đặc biệt lưu ý để tránh lúng túng khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt các nhà xuất khẩu, đồng thời là nhập khẩu có thể vận dụng trường hợp ngoại trừ bởi họ dễ dàng chứng minh được sự liên kết của mình với các nhà sản xuất trong nước.
Mặt khác, một trong những mục tiêu quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là xây dựng một thị trường đơn nhất và một không gian sản xuất chung. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất, phân phối lớn của các nước trong khu vực thể hiện sức mạnh của mình trong việc chiếm lĩnh thị trường hơn 600 triệu dân. Khi đó, nếu có sự xuất hiện hành động chống bán phá giá, sẽ rất khó khăn trong việc xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước để đi tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đó là chưa kể, hơn 80% DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, nếu trong nghị định quy định cứng, đại diện cho ngành sản xuất trong nước phải được sự ủng hộ bởi các nhà sản xuất chiếm tối thiểu 50% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự và điều tra sẽ không được bắt đầu nếu các nhà sản xuất có tán thành điều tra ít hơn 25%...
Liên quan tới vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp lý cho vấn đề này, bà Phạm Châu Giang cho rằng việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật thương mại cần được đặt trong mối tương quan với các hiệp định của WTO. “Các biện pháp phòng vệ thương mại được các nước xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần nắm bắt và sử dụng tốt hơn nữa các biện pháp phòng vệ thương mại”, bà Giang nhấn mạnh.
PGS-TS Phạm Tất Thắng cũng chỉ ra rằng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng về mặt pháp lý và nguồn lực cần thiết để ứng phó kịp thời khi cần phải áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia đang áp dụng phổ biến. Cùng với đó, việc tính toán biên độ bán phá giá, cơ quan điều tra cũng phải xác định mức độ thiệt hại của các ngành sản xuất theo tiêu chí cụ thể. Với tiến trình hội nhập, các văn bản pháp luật trong phòng vệ thương mại rất cần được đối chiếu rà soát sao cho phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Hải quan… vì đây là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong xây dựng nghị định về phòng vệ thương mại Việt Nam.
THÁI NGUYỆT