Sử dụng tràn lan, kém hiệu quả

Việc 40% phân đạm, 50% phân Kali và 60% phân lân bón cho cây trồng không được hấp thu mà bị rửa trôi làm hạn chế khả năng tiết giảm chi phí vật tư của nông dân, là thách thức mà các nhà khoa học luôn trăn trở.

Hệ quả của sự thất thoát này làm giảm khả năng thu nhập của nông dân. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, không chỉ lãng phí của cải xã hội mà còn gây ô nhiễm môi trường cả không khí và đất. Nếu xét về khía cạnh kinh tế, đây là sự lãng phí vô cùng lớn, hàng năm cả nước sử dụng trên 10 triệu tấn phân hóa học, bình quân mỗi ha là 1 tấn, theo tính toán của các chuyên gia phân bón, với sự rửa trôi này hàng trăm triệu USD bị mất đi mỗi năm. Sự thất thoát này nông dân phải gánh chịu.

Hiệu lực thấp và bón phân chưa hợp lý còn góp phần làm môi trường xung quanh ngày càng ô nhiễm khi gia tăng lượng phát thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khí metan (CH4) và carbonic (CO2). Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ cho sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Một trong những giải pháp phổ biến hiện nay là bón cân đối, hợp lý, theo mục đích năng suất để tối ưu năng suất và hiệu quả kinh tế.

Xu hướng hiện nay trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển, là bón phân thân thiện với môi trường, bằng việc tăng phân hữu cơ, giảm phân hóa học, để trả lại hữu cơ và cố định carbon trong đất, tăng nhu cầu chất lượng sản phẩm và tăng giá trị gia tăng một đơn vị sản phẩm. Giải pháp khả thi là tiết giảm ngay lượng phân hóa học vô cơ từ 10% - 15%, bón cân đối và sử dụng hài hòa các nguồn phân bón khác nhau kể cả hữu cơ, tái sử dụng rơm rạ, tưới tiết kiệm.

Ở một số nước, các nhà khoa học đang xây dựng chiến lược tăng hiệu lực sử dụng phân bón thêm 20% trong 10 năm tới. Như vậy ngoài sự tự giác của người dân, dứt khoát phải có chế tài và cách quản lý phù hợp. Đó cũng là cách giúp tăng sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản và nền nông nghiệp nói chung. Đó mới là cách phát triển bền vững, góp phần tiết kiệm chi phí để nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng một nền nông nghiệp thân thiện môi trường. 

Một khả năng khác mà các nhà khoa học thế giới đã và đang nghiên cứu là giúp gia tăng khả năng hấp thu các loại phân bón hóa học của cây trồng, thông qua việc sử dụng các chế phẩm hay hoạt chất sinh học kích thích bộ rễ phát triển, gia tăng mật độ vi sinh trong đất, giúp tăng lượng thu nạp các loại phân bón.

Tại hội nghị khoa học về hiệu quả sử dụng phân xanh Ure+NEB-26 và hoạt chất sinh học NEB-26, tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng cho rằng, NEB-26 là chất xúc tác, phát huy vai trò sử dụng phân bón của cây trồng nhờ việc kích thích bộ rễ phát triển mạnh, qua đó, giúp giảm lượng phân bón sử dụng. Với hướng đi này, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, còn gián tiếp giúp giảm khí thải vào khí quyển, môi trường nông thôn đỡ ô nhiễm.

Vì vậy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tiến sĩ Phạm Huy Thông cho rằng, tác dụng của NEB-26 trên khảo nghiệm diện rộng nhiều năm qua cho thấy hiệu quả kép cả về kinh tế, xã hội và môi trường nhờ có tác dụng hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm gần 1/2 lượng phân bón sử dụng. Qua đó giúp giảm lượng khí thải vào không khí trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục