Chưa đầy một ngày sau khi nhận được báo cáo từ Sở Y tế TPHCM (ngày 21-5) về việc phát hiện chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Trà Vinh (TV-Pharma) tự ý tăng giá 11 mặt hàng thuốc, Cục Quản lý dược Bộ Y tế ngay lập tức (ngày 22-5) đã có văn bản chỉ đạo với những biện pháp chế tài rất nghiêm khắc với trường hợp này.
Được biết, trước đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, ngày 2-4, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tạm ngưng xét đơn xin điều chỉnh giá theo hướng tăng của các doanh nghiệp dược phẩm đóng trên địa bàn đến hết ngày 30-6-2008.
Liền ngay sau công văn này, Cục Quản lý dược cũng có thông báo yêu cầu các doanh nghiệp dược không xin tăng giá thuốc cho đến hết tháng 6. Trả lời báo chí về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý dược cũng nhiều lần nhắc nhở: Doanh nghiệp không thể tự ý tăng giá thuốc. Trường hợp doanh nghiệp tự ý tăng giá đồng loạt, bất hợp lý sẽ đình chỉ hoạt động, rút số đăng ký.
Bất chấp lệnh cấm và những nhắc nhở rất nghiêm túc của lãnh đạo Cục Quản lý dược, từ đầu tháng 5-2008, Chi nhánh TV – Pharma đã đồng loạt tăng giá 11 mặt hàng với tỷ lệ tăng từ 5%-38% khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.
Hành động kiểu “vuốt râu hùm” này của Chi nhánh TV-Pharma không những thể hiện sự thiếu tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của cộng đồng mà còn phản ánh sự yếu kém về nhận thức pháp luật, thiếu tôn trọng những chủ trương chung của ngành từ phía doanh nghiệp.
Việc Cục Quản lý dược áp dụng các biện pháp chế tài: Yêu cầu TV-Pharma điều chỉnh giá các mặt hàng trở lại như cũ; dừng cấp giấy phép nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký của công ty trong vòng 3 tháng được nhiều doanh nghiệp dược xem là quá nghiêm khắc với TV-Pharma. Tuy nhiên, đây là một sự nghiêm khắc cần thiết để chấn chỉnh ý thức pháp luật hiện còn khá lỏng lẻo với nhiều doanh nghiệp dược hiện nay.
Được biết, trong một cuộc họp với Sở Y tế TPHCM về giá thuốc, đại diện của một doanh nghiệp dược khá lớn trên địa bàn đã từng tuyên bố một cách thiếu ý thức rằng: Muốn đàng hoàng thì mới nộp hồ sơ xin tăng, chứ cứ âm thầm mà tăng thì làm gì được (?!).
Phản ứng gần như ngay lập tức và quyết liệt của Cục Quản lý dược chính là câu trả lời nghiêm khắc cho lối nghĩ thiếu ý thức như thế. Hành động lần này của cơ quan quản lý cũng thể hiện rằng, việc kiểm soát giá thuốc hiện nay đang được kiểm soát chặt chẽ từ thực tế thị trường chứ không chỉ dựa trên hồ sơ, sổ sách, báo cáo của các doanh nghiệp.
Điều này cũng một lần nữa nhắc nhở các doanh nghiệp rằng: Thời điểm 30-6 không phải mốc thời gian để cởi bỏ việc kiểm soát giá. Dù sau thời điểm này, việc quản lý giá thuốc vẫn tuân theo quy định của Thông tư 11-2007.
Các doanh nghiệp dược muốn điều chỉnh tăng giá vẫn phải làm hồ sơ kê khai lại giá thuốc cho Sở Y tế địa phương hoặc Cục Quản lý dược và phải chứng minh được tính hợp lý giữa chi phí, giá thành, giá bán thì mới được cho phép với tỷ lệ tăng giá phù hợp.
Lần này, có lẽ nhiều doanh nghiệp đã thấm thía câu: Luật pháp nghiêm minh!
Gia Linh