
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tâm lý chung của người tiêu dùng là chờ các mặt hàng giảm giá, đặc biệt là hàng điện tử. Hai tháng trước, thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) có chững lại đôi chút. Do sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cửa hàng, đại lý, giá ĐTDĐ đã giảm tới mức tối thiểu. Sau một thời gian nghe ngóng, “cơn sốt” mua sắm ĐTDĐ đã trở lại vào dịp cuối năm.
Cuối năm “hút” hàng
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO chờ đợi mãi mà không thấy “bão giảm giá”, thị trường ĐTDĐ đã trở lại với vòng quay sôi động của mình. Hai tháng trở lại đây, theo anh Đức Quang, quản lý một siêu thị ĐTDĐ trên phố Cộng Hòa, doanh số bán ra tăng trung bình 20% mỗi tháng.
Dự kiến, sức mua sẽ tiếp tục tăng thêm 20% - 30% và nhộn nhịp đến tận ngày 30 Tết Âm lịch. Trong đó, thị trường sản phẩm dòng cao cấp (có giá từ trên 5 triệu đồng) và dòng thấp (có giá dưới 3 triệu đồng) đang ngày càng được tiêu thụ nhiều. Ước tính lượng hàng bán ra dòng cao cấp chiếm khoảng 18%, hàng cấp thấp chiếm 60% tổng số.

Nắm bắt được nhu cầu, các hãng ĐTDĐ liên tục đưa ra những mẫu mới, kèm nhiều quà tặng cho khách hàng. Nokia đưa ra thị trường cả dòng cao cấp và hàng bình dân giá rẻ như 8800 Sirocco Edition (giá 16 triệu đồng); 5300 (giá 4,25 triệu đồng); N80 (giá 10 triệu đồng); 6030 (giá 1,29 triệu đồng, được đánh giá bán chạy nhất thị trường ĐTDĐ thời gian qua)...
Các hãng khác cũng ra mắt nhiều dòng điện thoại mới như Samsung D840 (giá 5,6 triệu đồng), Sony Ericsson W850i (8,2 triệu đồng), Motorola A1200 (5,7 triệu đồng)...
Bên cạnh quà tặng của chính hãng, các siêu thị, cửa hàng còn mở nhiều chương trình khuyến mãi cuối năm như giảm giá, tặng quà, tặng phiếu mua hàng, chương trình trò chơi có thưởng và dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng miễn phí cài nhạc, hình nền, games...
Xu hướng năm 2007: ĐTDĐ đa truyền thông
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường, Nokia vẫn giữ thị phần lớn nhất chiếm 50% tổng số ĐTDĐ bán ra trong năm 2006 tại Việt Nam. Tiếp theo, hai hãng Motorola và Samsung chiếm thị phần xấp xỉ nhau, với tỷ lệ lần lượt 20% và 19%.
Hãng Sony Ericsson chiếm thị phần khoảng 5%, tập trung chủ yếu là các dòng điện thoại chuyên biệt có chức năng chơi nhạc số chuyên nghiệp W (Walkman).
Anh Đỗ Hiếu, chủ cửa hàng bán ĐTDĐ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cho biết hiện nay nhu cầu về các dòng ĐTDĐ cao cấp khá lớn.
Ngoài những tính năng cơ bản như màn hình màu, bluetooth, hồng ngoại, USB, GPRS, Radio FM, dung lượng danh bạ, ghi âm, khách hàng còn quan tâm nhiều đến các tính năng cao cấp, thời trang khác như e-mail, wifi và đặc biệt là có hỗ trợ thẻ nhớ ngoài dung lượng lớn, độ phân giải máy ảnh cao, tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh...
Theo nhận xét của một số công ty nghiên cứu thị trường ĐTDĐ, năm 2007 là năm của công nghệ ưu việt. Tất cả các hãng điện thoại có thị phần lớn đều đưa ra chiến lược cho năm tới sẽ giới thiệu những mẫu điện thoại kết nối không dây wifi và có thể chơi games trực tuyến, truyền hình di động trực tuyến.
Một thị phần cho dòng hàng Trung Quốc và Thái Lan
Với xu hướng của những chiếc điện thoại ngày càng tích hợp nhiều tính năng, đồng nghĩa với giá rất cao đã mở ra một thị trường điện thoại nhiều tính năng mà giá rẻ: hàng Trung Quốc, Thái Lan.
Anh Trịnh Việt Khánh (quận Tân Bình) vừa mua một ĐTDĐ sản xuất tại Trung Quốc giá 2 triệu đồng tích hợp đầy đủ các chức năng cao cấp của dòng ĐTDĐ đời mới như quay phim, chụp ảnh độ phân giải 2 megapixel, mp3, thẻ nhớ 128Mb, đủ các chức năng giao tiếp ngoài và cả phím bấm cảm ứng (thường chỉ có với các dòng ĐTDĐ cao cấp chính hãng).
“Giá rẻ hơn khoảng 50% - 60% điện thoại chính hãng cùng chức năng. Mẫu mã không xấu lắm, lại được chủ hàng bảo hành 1 năm, quá tốt rồi” - anh Khánh hồ hởi.
Thời gian qua, thị trường ĐTDĐ Việt Nam rụt rè đón nhận các nhãn hiệu điện thoại của Trung Quốc và Thái Lan. Lượng tiêu thụ chưa lớn, nhưng đã được một số người tiêu dùng chú ý bởi sự tích hợp nhiều tính năng và giá “mềm”.
Vì vậy, một lượng khách bình dân nhưng thích thay đổi mẫu mã thời trang lựa chọn dòng hàng này. Trên thị trường cũng có một số mẫu ĐTDĐ Trung Quốc nhái y hệt các mẫu điện thoại chính hãng với giá bán chỉ bằng 40% - 50%.
Trong khi đó, dòng ĐTDĐ xuất xứ từ Thái Lan có giá cao hơn hàng từ Trung Quốc khoảng 30% với chất lượng và hệ thống bảo hành có tốt hơn. Dòng sản phẩm này đã có nhiều cửa hàng bày bán trên thị trường Việt Nam, ước chừng trung bình mỗi tháng có khoảng 3.000 - 4.000 máy được bán.
LÊ QUANG TRỌNG