Sự suy yếu của các ông hoàng điện tử Nhật Bản

Đó là tựa đề bài viết trên nhật báo Les Echos (Pháp), tờ báo cho rằng vài năm gần đây các doanh nghiệp điện tử Nhật Bản đều lỡ bước và không bắt kịp những thay đổi then chốt trong ngành. Panasonic, Sony hay Sharp, các tập đoàn điện tử hàng đầu của Nhật Bản đang lần lượt bị rơi đài, một phần vì bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, nhưng cũng một phần vì mô hình kinh tế của họ bắt đầu hụt hơi, buộc phải đổi mới và sáng tạo trở lại.

Đó là tựa đề bài viết trên nhật báo Les Echos (Pháp), tờ báo cho rằng vài năm gần đây các doanh nghiệp điện tử Nhật Bản đều lỡ bước và không bắt kịp những thay đổi then chốt trong ngành. Panasonic, Sony hay Sharp, các tập đoàn điện tử hàng đầu của Nhật Bản đang lần lượt bị rơi đài, một phần vì bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, nhưng cũng một phần vì mô hình kinh tế của họ bắt đầu hụt hơi, buộc phải đổi mới và sáng tạo trở lại.

Tháng 2-2012, Panasonic đã thu hút sự chú ý khi giới thiệu chiếc smartphone mới Eluga. Chiếc Eluga cực mỏng, không thấm nước, được cho là sẽ đánh dấu sự quay trở lại của Panasonic tại thị trường châu Âu. Hãng điện tử Nhật Bản ước tính trong thời gian một năm tập đoàn có thể bán ít nhất 1,5 triệu chiếc Eluga ở châu Âu và sau đó sẽ chinh phục các thị trường, lục địa khác. Tuy nhiên, chỉ cách đây 3 tuần, tân Giám đốc điều hành của tập đoàn Panasonic, ông Kazuhiro Tsuga, thông báo ngưng hẳn việc bán Eluga ra ngoài Nhật Bản với lý do lợi nhuận quá thấp. Sau nhiều năm thua lỗ, trong tài khóa 2013 (kết thúc vào tháng 3-2013), Panasonic sẽ lỗ thêm 10 tỷ USD. Không chỉ Panasonic, Sony hay Sharp cũng chung số phận. Trong quý 2, Sony đã lỗ 15,5 tỷ yên (194 triệu USD). Sharp dự kiến lỗ năm nay vào khoảng 5,45 tỷ USD.

Các nhà phân tích kinh tế đánh giá nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của các “ông hoàng điện tử Nhật” một phần do bối cảnh không thuận lợi của kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chính 2 bên bờ Đại Tây Dương và trận động đất gây sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 khiến nhiều cơ sở sản xuất bị tàn phá... Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia của Nhật Bản, còn một nguyên nhân khác sâu xa hơn. Giáo sư Shigeru Asaba, trường Đại học Gakushuin tại Tokyo khẳng định: “Đó là sự thoái hóa dần dần của một mô hình kinh tế”.

Trong giai đoạn từ năm 2000-2010, sản xuất điện tử của Nhật Bản giảm 41%, xuất khẩu giảm 27%, phần đóng góp của hàng điện tử trong thặng dư thương mại giảm 68%. Trong một số sản phẩm then chốt, Nhật Bản bị Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Mỹ qua mặt. Trước tình hình này, các tập đoàn Nhật Bản phải đánh giá lại chiến lược của mình. Ông Kazuhiro Tsuga thừa nhận các doanh nghiệp “xứ Phù Tang” quá tin tưởng vào thành công của mình trên mặt trận công nghệ và sản xuất mà quên đi sự đánh giá của người tiêu dùng đối với các sản phẩm. Khuyết điểm thứ hai là đánh giá thấp sức cạnh tranh của đối thủ.

Một điểm khác nữa là các tập đoàn Nhật quá chú trọng đến thị trường nội địa, và những người lãnh đạo cho đến nay chỉ hoạt động và thăng tiến trong một tập đoàn duy nhất, không linh hoạt, không tìm hiểu nhiều về những xu hướng, nhu cầu bên ngoài, cho nên không nhạy bén với những thay đổi và thiếu sự táo bạo cần thiết. Ngay tại thị trường Nhật, tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang chiếm 10% lượng máy smartphone bán ra.

Dù vậy, Les Echos, cho rằng các tập đoàn điện tử Nhật Bản đang thức tỉnh và từ năm ngoái đã cố gắng tái cấu trúc, thay đổi lãnh đạo, tập trung trên những lãnh vực họ đang nắm ưu thế. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho một cuộc cách mạng kiểu này sẽ là hàng chục ngàn nhân công của các tập đoàn sẽ bị sa thải, thất nghiệp. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục