Sự trỗi dậy đáng ngại

5 nước đông dân nhất châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Italia và Tây Ban Nha) đang trỗi dậy tư tưởng bài ngoại dữ dội hơn khi dòng người nhập cư đổ vào ngày một đông.

Sự kiện gây chấn động châu Âu khi sinh viên Leonarda Dibrani, 16 tuổi, người gốc Kosovo, bị trục xuất ở Pháp và những ý kiến đồng thuận với quyết định này của Bộ trưởng Nội vụ Valls. Một cuộc thăm dò dư luận của nhật báo Le Parisien - Aujourd’hui mới công bố cho thấy 65% số người Pháp được hỏi hoàn toàn chống lại việc Tổng thống Francois Hollande cho phép sinh viên trên quay trở lại.

Trong khi đó, cộng đồng người Hoa tại thủ đô London của Anh quyết định đóng cửa toàn bộ khu Chinatown gồm nhiều cửa hàng, siêu thị và tiệm ăn ở Soho trong 2 giờ đồng hồ vào chiều 22-10. Họ khẳng định hành động này nhằm phản đối những đợt truy quét người nhập cư bất hợp pháp. Một số sinh viên nước ngoài làm việc quá giờ quy định cũng trở thành đối tượng kiểm tra của các nhân viên phụ trách nhập cư thuộc UKBA. Tuy nhiên, giới lãnh đạo doanh nghiệp người Hoa cáo buộc rằng UKBA đã không công bằng khi hướng các đợt truy quét này vào họ.

Ông Lawrence Cheng - Tổng thư ký Hội người Hoa ở Chinatown (London) cho biết không ngoại trừ khả năng khu Chinatown tiếp tục đóng cửa trong thời gian tới nếu những quan ngại của cộng đồng người Hoa không được giải tỏa. Giới doanh nghiệp người Hoa còn yêu cầu Bộ Nội vụ Anh phải tiến hành thảo luận về vấn đề này. Để xoa dịu, một nữ phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh cho biết các cuộc thảo luận với giới doanh nghiệp người Hoa sẽ được tiến hành vào tháng 11 tới. Bà khẳng định các đợt truy quét vừa qua là dựa trên “tin tức tình báo”.

Xu hướng bài ngoại về một loạt chính sách nhập cư không chỉ riêng ở Anh, Pháp mà đang lan ra khắp châu Âu như một làn sóng. Một cuộc điều tra của nhật báo Financial Times ở Pháp, Đức, Anh, Italia và Tây Ban Nha cho thấy các đảng phái và phong trào chính trị chống lại chính sách “di chuyển tự do trong biên giới EU” ngày càng tăng. Họ cũng thể hiện quyết tâm chống lại các chính sách nhập cư của chính các chính phủ nước họ. 19% người Italia sẵn sàng bỏ phiếu cho các đảng Liên minh phương Bắc trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5-2014, trong khi 25% người Anh và Pháp đồng ý bầu cho đảng Độc lập và Mặt trận Quốc gia.

Tại Tây Ban Nha, số người chống lại chính sách châu Âu có thể lên tới 12%. Nghị viện châu Âu mới có nguy cơ mất đến 30% số ghế cho những người căm ghét người nhập cư.

Chính sách châu Âu về nhập cư và chính sách của một số chính phủ cánh tả ở EU càng làm tăng thêm sự tức giận của một phần đông dân chúng. Một cuộc thăm dò mới đây của tổ chức Euromedia Research ở Italia cho thấy có đến 53% số người được hỏi phản đối chính phủ loại bỏ luật Bossi-Fini nhằm thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát dòng người nhập cư vào Italia. 62% người Italia, 61% người Tây Ban Nha, 83% người Anh, 73% người Đức và 72% người Pháp được hỏi hy vọng rằng vào ngày 1-1-2014, khi kết thúc 6 năm quá độ kể từ ngày gia nhập EU, 2 thành viên viên mới là Romania và Bulgaria sẽ không được phép mở cửa biên giới vào EU nữa. Phần lớn người được hỏi trong 5 quốc gia đông dân nhất EU đều chống lại quy định cho phép tự do đi lại giữa các nước EU.

Sự chống đối và xu hướng bài ngoại rõ rệt này là cơ hội để các đảng cực hữu và các phong trào bài ngoại ngày càng phát triển mạnh hơn nữa, để rồi sau đó, châu Âu sẽ lại chứng kiến một làn sóng các chính phủ mới thân hữu và mạnh tay hơn với người nhập cư.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục