Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa (CTBOTT) đã bước sang năm thứ 5. Chương trình tiếp tục lớn mạnh, với sự tham gia của các DN hàng đầu trong ngành sữa là Vinamilk, Nutifood, Hanfoodco, Tân Úc Việt. Điều đáng lưu ý, giá cả các loại sữa bình ổn năm nay vẫn rất ổn định, tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.
Tăng 12 mẫu sản phẩm
Theo Sở Công thương TPHCM, CTBOTT các mặt hàng sữa năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 tiếp tục gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm định hướng và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các mặt hàng sữa sản xuất trong nước có chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và có giá cả phù hợp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các sản phẩm sữa trong chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho người tiêu dùng. Lượng sữa trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa cho người dân TP, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động thị trường.
Căn cứ vào khả năng cung ứng của các DN và nhu cầu tiêu dùng từ thực tế, năm 2015, TPHCM tiếp tục bình ổn đối với 6 nhóm mặt hàng với 82 mẫu sản phẩm (tăng 12 mẫu so với năm 2014). Tổng lượng sữa tham gia bình ổn thị trường là 3.978,24 tấn/năm (tương đương mức 331,52 tấn/tháng), tăng 10,4% so với kết quả thực hiện chương trình năm 2014 - 2015 và tăng 20% so với kế hoạch thực hiện năm 2014 - 2015, chiếm từ 30%-35% mức tiêu dùng của thị trường TP. Riêng sản lượng sữa nước, các DN đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ cho nhu cầu thị trường.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng kiểm tra các sản phẩm sữa bình ổn tại cửa hàng của Công ty Nutifood. Ảnh: Hải Hà
Tương tự những mặt hàng tham gia bình ổn của 3 chương trình khác, DN tham gia BOTT mặt hàng sữa xây dựng và thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và luôn đảm bảo tính hợp lý, ổn định và dẫn dắt thị trường. Trong trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm 5% - 10% đối với giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, DN thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường cho phù hợp với tình hình thực tế. Trường hợp thị trường có biến động do có hiện tượng nâng giá tạo khan hiếm giả tạo làm biến động thị trường, DN tham gia chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa đảm bảo chi phối thị trường theo sự điều phối của Sở Công thương.
Mở rộng mạng lưới phân phối sữa bình ổn
Đến nay, các DN tham gia chương trình đã phát triển 1.412 điểm bán, tăng 219 điểm so với đầu chương trình. Bên cạnh việc cung ứng sữa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi điểm bán hàng bình ổn, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực đưa sản phẩm sữa vào 1.563 trường học, 64 bệnh viện, 284 nhà máy xí nghiệp và 31 DN trong KCX-KCN phục vụ công nhân. Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực tham gia các phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động, chương trình đưa hàng về nông thôn. Ngoài ra, các đơn vị tham gia bình ổn cũng không ngừng đầu tư, nâng cấp và mở rộng mạng lưới phân phối sữa bình ổn không chỉ ở các siêu thị mà còn đến vùng sâu, vùng xa, KCX-KCN, các trường học, phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng sữa của người dân.
Trong năm 2015, các DN trong chương trình tiếp tục đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm nhiều điểm bán mới, trong đó chú trọng đặc biệt đến các DN trong KCN-KCX, tạo thói quen sử dụng sữa vào các bữa xế hoặc tăng ca nhằm tăng thể chất, năng lượng cho người lao động. Cùng với đó, DN sẽ tăng độ phủ các sản phẩm bình ổn tại các kênh phân phối hiện có để tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá sữa trên thị trường.
Nhằm hỗ trợ cho DN thực hiện được mục tiêu này, Sở Công thương yêu cầu các hệ thống phân phối khi tham gia bán hàng bình ổn thị trường phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN trong CTBOTT các mặt hàng sữa đưa hàng vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá xảy ra nhằm ổn định thị trường.
Để đưa sữa nội đến với người tiêu dùng đạt hiệu quả cao, tại Quyết định 1347/QĐ-UBND ban hành kế hoạch triển khai thực hiện CTBOTT các mặt hàng sữa trên địa bàn TP năm 2015, UBND TPHCM cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành chức năng theo dõi và hỗ trợ DN thực hiện. Trong đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương và các cơ quan có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền về các nghiên cứu khoa học chứng minh “Sữa nội và sữa ngoại có giá trị dinh dưỡng tương đương nhau”, “Sữa nội có thành phần phù hợp tố chất người Việt Nam”...; đồng thời, thông tin - tuyên truyền về chương trình để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm sữa sản xuất trong nước có chất lượng và giá cả hợp lý.
|
Thái Nguyệt