Sổ tay

Sữa bột và bò sữa

Vài tháng trước, việc Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ nâng thuế suất sữa nguyên liệu nhập khẩu đã gặp phản ứng một số ngành, khi có ý kiến cho rằng, “bốc chưa đúng thuốc” sẽ bị phản tác dụng. Xuất phát của quan điểm này là “ngại” doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng sữa dựa vào đó để tăng giá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng vì lượng sữa bò tươi trong nước để chế biến quá ít.

Cuối cùng, Nhà nước chỉ điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với sữa tươi nguyên liệu và thành phẩm từ 3%, 5% và 7% lên 15%, 10% và 20%. Rất tiếc là động thái này hầu như không có ý nghĩa, do thời gian bảo quản sữa tươi nguyên liệu ngắn, nên ít DN nhập khẩu.

Điều đáng quan tâm là thuế nhập khẩu các loại sữa bột (để hoàn nguyên), mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất và cạnh tranh trực tiếp với người chăn nuôi bò sữa trong nước, lại hầu như không tăng. Do vậy, việc điều chỉnh thuế suất sữa nhập khẩu lúc đó không có tác dụng nhiều, để sữa bột ngoại tràn vào, “đè” ngành chăn nuôi trong nước. 

DN chế biến sữa luôn nêu lý do, nguyên liệu sữa trong nước quá ít nên phải nhập khẩu, nhưng lại không tạo điều kiện để phát triển đàn bò sữa trong nước. Trong khi đó, Nhà nước vì “e ngại” DN chế biến và kinh doanh các sản phẩm sữa tăng giá mà hy sinh quyền lợi của khoảng 20.000 hộ chăn nuôi, trong khi ý nghĩa của việc này lớn hơn rất nhiều, đó là sự phát triển ngành chăn nuôi và chế biến sữa Việt Nam, không thể lệ thuộc mãi vào nước ngoài. Tất nhiên không thể thay thế 100% nguyên liệu sữa ngoại, nhưng 50% - 60% là khả thi (hiện nay mới khoảng 20%).

Vinamilk là mô hình liên kết giữa DN với người nuôi bò sữa, nhưng khó nhân rộng vì nhiều DN không muốn phát triển thêm đàn bò sữa nguyên liệu, mà chỉ sử dụng lượng thu mua sữa hàng ngày (ít ỏi) trong nước làm đối trọng để thương thảo giá cả với công ty nước ngoài hơn là tạo điều kiện để phát triển đàn bò sữa.

Khi giá nguyên liệu thế giới giảm, người tiêu dùng không hưởng phần lợi nào mà người chăn nuôi bò sữa lại đứng trước nguy cơ sẽ gặp khó khăn trong việc bán sữa tươi nguyên liệu. Nhập sữa bột về hoàn nguyên rẻ và đơn giản hơn mua sữa bò tươi trong nước nên DN chế biến sẽ siết chặt các chỉ tiêu kỹ thuật để ép giá người chăn nuôi.

Trong hai năm 2007 và 2008, cả nước bỏ ra 462 triệu USD và 535 triệu USD để nhập khẩu sữa nguyên liệu. Hiện nay, khi giá sữa nguyên liệu thế giới giảm mạnh, người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm sữa với… trên trời. Chỉ DN và các tập đoàn nước ngoài hưởng gần hết “chiếc bánh” lợi nhuận này.

Không thể chỉ khuyến cáo, Nhà nước cần có biện pháp can thiệp, đưa  sữa vào mặt hàng quản lý giá; đồng thời, điều tra việc liên kết độc quyền, hành động giữ giá từ nước ngoài… để xử lý kiên quyết. Có như vậy mới hy vọng đảm bảo quyền lợi cho mấy chục triệu người tiêu dùng và bà con chăn nuôi bò sữa.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục