Một trong những mục tiêu lớn mà chúng ta cần thực hiện cho được khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là tích cực xây dựng chính quyền liêm chính, trong sạch, sửa đổi lối làm việc, lấy việc tận tụy phục vụ nhân dân, vì lợi ích của người dân, của đất nước làm mục tiêu tối thượng - đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Báo SGGP.
- Phóng viên: Thưa đồng chí, vì sao sửa đổi lối làm việc lại có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong thời điểm hiện nay?
>> Đồng chí TẤT THÀNH CANG: Ngay trong những ngày đầu giành được độc lập và trong giai đoạn chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dù bộn bề công việc, song Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn, quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người đã thấy rõ và cảnh báo những bất cập, khuyết điểm, sai lầm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã và đang gây trở ngại cho công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta. Vì vậy, tháng 10-1947 Người đã cho ra đời tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc để mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, học tập và chủ động khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm đó.
Cốt lõi trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Người là việc phải giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc” của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng cũng là một thực thể xã hội, cán bộ, đảng viên của Đảng có nhiều ưu điểm và đạt nhiều thành tích, nhưng cũng có lúc có nơi có những khuyết điểm là: Không giữ vững được tính cách mạng trong mỗi công việc của Đảng; thiếu chí công vô tư; không giữ được kỷ luật nghiêm từ cấp trên xuống cấp dưới; không gần dân, lắng nghe và gắn bó mật thiết với nhân dân, và nhất là không làm việc đến nơi đến chốn.
Hơn 70 năm từ khi tác phẩm ra đời đến nay, những lời giáo dục, nhắc nhở của Người trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn nguyên giá trị.
- Trong cuộc họp triển khai Chỉ thị 05 vừa qua, đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đưa ra mục tiêu rất cụ thể: “Với sứ mệnh dẫn dắt khu vực phía Nam của mình, chúng ta phải đi nhanh hơn, tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn các địa phương khác từ việc thực hiện Chỉ thị 05”. Theo đồng chí, quyết tâm này sẽ tác động đến bộ máy hành chính của thành phố như thế nào?
Thành phố chúng ta hội đủ các điều kiện để tiếp tục là đầu tàu kinh tế, tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước. Muốn làm được như vậy, quyết tâm chính trị ban đầu là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng cho được một cơ chế đột phá để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của thành phố. Một yếu tố rất quan trọng, đó là thành phố phải chấm dứt cơ chế xin - cho, đội ngũ cán bộ công chức phải thật sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải thay đổi tư duy làm việc, phải đi cơ sở, phải đến với nhân dân.
- Yêu cầu của một bộ máy công quyền phục vụ nhân dân gọn nhẹ, minh bạch, hiệu quả của thành phố sẽ như thế nào, thưa đồng chí?
Trước hết, đội ngũ công chức các cấp của thành phố phải có ý thức trách nhiệm, xác định rõ được nhiệm vụ của mình, luôn nâng cao tri thức để đảm nhận tốt công việc được giao. Khi được giao việc gì, bất kỳ dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải dồn hết tâm huyết làm đến nơi, đến chốn, một cách tự giác. Ý thức trách nhiệm trong công việc còn phải thể hiện rõ ở sự chủ động nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong hoạt động hành chính, người cán bộ, công chức các cấp của thành phố phải chủ động hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và chống lại sự quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không quan liêu, xa rời nhân dân, phải biết lắng nghe những ý kiến góp ý, phê bình của nhân dân; chấn chỉnh, sửa đổi công việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Sinh thời, Bác Hồ từng nghiêm khắc phê phán cán bộ “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị”; đi đến đâu cũng “chỉ tay năm ngón”; xuống cơ sở thì tiền hô hậu ủng nhưng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”… Cách lãnh đạo và lề lối làm việc kiểu ấy là lực cản đối với sự phát triển của đất nước, của thành phố. Bệnh dối trá, quan liêu, nhũng nhiễu cũng từ đó mà ra, bởi “làm thì láo mà báo cáo thì hay”, chỉ thích nghe lời nói ngọt. Thời đại luôn vận động và phát triển, nhiệm vụ yêu cầu luôn mới, nên đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải không ngừng phấn đấu tự học, tự rèn luyện nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Chỉ có như thế thì mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính gọn nhẹ, minh bạch, trong sạch, vì nước vì nhân dân.
- Vậy thành phố sẽ làm gì để việc làm theo Bác ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn, tránh nặng về hô hào, phong trào?
Để làm được điều ấy, đầu tiên phải là từ nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc gương mẫu đi đầu thực hiện các nhiệm vụ mà Chỉ thị 05 nêu ra. Việc đánh giá kết quả phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, dưới sự giám sát của các cấp chính quyền, của toàn xã hội. Mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy phải nêu gương bằng những việc làm hết sức cụ thể, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tự mình gương mẫu học trước, làm trước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm.
Triển khai thực hiện theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục, có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng; giám sát của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
Cán bộ càng nêu gương càng làm tăng niềm tin trong toàn nhân dân. Sự nêu gương đó từ việc nhỏ đến việc lớn, nhưng những việc hàng ngày biểu hiện trong ứng xử với cán bộ, đảng viên, giao tiếp nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội là dễ nhận thấy nhất.
- Xin cám ơn đồng chí!
Hồng Hiệp (thực hiện)