(SGGPO).- Thay vì chỉ sửa đổi một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) năm 2000 như dự kiến ban đầu, Dự thảo Luật HNGĐ vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến chiều 10-9 đã bổ sung tới 53 điều, sửa đổi 64 điều, bãi bỏ 2 chương và 8 điều so với luật hiện hành, nâng tổng số điều từ 110 điều lên 134 điều. Các ý kiến trong UBTVQH một mặt ghi nhận: cơ quan soạn thảo đã có sự tìm tòi, nghiên cứu và nỗ lực đưa vào dự luật những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền con người; nhưng đồng thời cũng đã nêu ra khá nhiều vấn đề còn ý kiến khác biệt.
Công nhận kết hôn đồng giới, nên chăng?
Bố cục dự luật đã có những thay đổi cơ bản, nội dung cũng có nhiều điểm được bổ sung như quy định một số nguyên tắc, trách nhiệm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; đại diện cho nhau giữa vợ và chồng; chế độ tài sản của vợ, chồng; nghĩa vụ và quyền giữa cha mẹ, con và giữa các thành viên khác trong gia đình; xác định cha, mẹ, con; ly hôn, ly thân; giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam nữ chung sống với nhau như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn...
Bình luận về phạm vi điều chỉnh của dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Một nhược điểm quan trọng của Luật HN-GĐ 2000 là nặng về quy định hôn nhân mà nhẹ về gia đình. Nếu đã quyết định sửa đổi toàn diện thì phải khắc phục cho được nhược điểm này”. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông thì chỉ những nội dung thật “chín” mới sửa đổi, bổ sung và đã quyết định luật hóa thì phải triệt để. Trên quan điểm đó, ông Lý yêu cầu: “Không cấm mà cũng không công nhận hôn nhân đồng giới là vẫn còn lửng lơ, vì không cấm tức là được làm, mà như thế xử lý hậu quả pháp lý cũng rất khó. Quan điểm của tôi là công nhận”.
Có cùng quan điểm “chưa tính kỹ thì chưa sửa”, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Tưởng Duy Lượng lại cho rằng, ở thời điểm hiện nay, chỉ nên bỏ quy định cấm là đủ. Các vấn đề như phân chia tài sản... hoàn toàn có thể giải quyết được theo pháp luật dân sự. Pháp luật tiến bộ đến đâu cũng phải phù hợp với nhận thức của số đông thì mới được tuân thủ.
Chưa mở rộng diện thừa kế đến con dâu (rể), bố mẹ vợ (chồng)
Một số vấn đề khác liên quan đến điều kiện kết hôn như việc hạ độ tuổi được phép kết hôn của nam giới xuống còn đủ 18 tuổi (bằng nữ giới) hay cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo... cũng nhận được đa số ý kiến đồng tình. Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quy định độ tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật HN-GĐ với quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự trong công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế của Việt Nam về trẻ em và bình đẳng giới
.
Tuy nhiên, trong khi cơ quan soạn thảo và thẩm tra cơ bản có cùng quan điểm về việc bổ sung chế định mới “ly thân” vào dự luật, thì nhiều ý kiến tại phiên họp lại cho rằng, chưa đủ căn cứ thực tế để luật hóa chế định này.
Phó Chánh án Tưởng Duy Lượng phát biểu: “Ly thân là sự thỏa thuận mang tính riêng tư của hai vợ, chồng, vì vậy không cần thiết phải có sự can thiệp của Tòa án. Nếu cần giải quyết vấn đề tài sản thì dự luật đã có quy định về chế độ chia tài sản chung và quyền không nhập tài sản riêng vào tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân”. Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.
Về chế độ tài sản của vợ chồng và giải pháp xử lý những vấn đề có liên quan, nhiều ý kiến tại phiên họp bày tỏ băn khoăn về quy định mở rộng diện thừa kế đến con dâu (rể), bố mẹ vợ (chồng). “Mở rộng hàng thừa kế như thế là khập khiễng so với một chế định quan trọng của Bộ luật Dân sự”, ông Phan Trung Lý thẳng thắn bình luận.
Tập quán cao hơn luật?
Đó là e ngại của một số ý kiến trong UBTVQH về quy định cho phép áp dụng tập quán trong thực hiện Luật HN-GĐ. Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định, quy định này thể hiện quan điểm của Nhà nước về sự tôn trọng, bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, tiến bộ của các dân tộc, vừa giải quyết được thực tiễn các vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ HN-GĐ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bà Mai nhấn mạnh: “Quy định tại khoản 2 Điều 6 của dự luật (“Trường hợp pháp luật có quy định, nhưng các bên tự nguyện thực hiện quyền, nghĩa vụ về HN-GĐ theo tập quán thì việc áp dụng tập quán đó được công nhận”) đã đặt ưu tiên tập quán lên trên pháp luật là chưa hợp lý, chưa bảo đảm sự nghiêm minh, hiệu lực, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và chưa phù hợp với Điều 3 của Bộ luật Dân sự là tập quán chỉ có thể áp dụng “trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận” với điều kiện không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật Dân sự”. Nhiều thành viên UBTVQH cũng tán thành quan điểm này và nhấn mạnh thêm rằng, dự luật cần làm rõ khái niệm “tập quán” để tránh áp dụng tùy tiện.
ANH PHƯƠNG