Điều này xuất phát từ thực tế cơ cấu kinh tế giữa các tỉnh trong vùng tương tự nhau với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, dẫn tới có sự cạnh tranh lẫn nhau. Việc đầu tư bị trùng lắp, dàn trải, không gian kinh tế vùng bị chia cắt khiến nguồn lực phân tán, không thể phát huy tiềm năng của cả vùng. Thêm vào đó, những năm gần đây, khu vực này liên tục chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản và sự phát triển kinh tế - xã hội môi trường trong vùng.
Trong khi đó, TPHCM là đô thị hạt nhân của cả vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế. TPHCM có khả năng hợp tác phát triển nhiều lĩnh vực với 2 vùng kề cận như phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản, phát triển hạ tầng giao thông kết nối… Cụ thể, vừa qua TPHCM đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và sơ kết 1 năm chương trình hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành ĐBSCL để kích cầu du lịch nội địa, tạo ra bước chuyển quan trọng về kinh tế du lịch của cả nước.
Tại ĐBSCL, sau 4 năm thực hiện thí điểm chương trình liên kết vùng, các bộ ngành đã tích cực chủ trì phối hợp với các địa phương triển khai các dự án quy mô lớn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, trái cây, thủy sản và một số mặt hàng nông nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh; hình thành một số mô hình liên kết như Chương trình hợp tác ABCD Mekong gồm các tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp; liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười và tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL.
Sau khi Chính phủ triển khai Nghị quyết Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thì vấn đề liên kết vùng được đặt ra bức thiết hơn. Với tư duy phát triển vùng, không phát triển từng tỉnh riêng lẻ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng với chức năng, nhiệm vụ rất rõ. Theo đó, hội đồng trước hết phải làm rõ những nội dung ưu tiên trong liên kết vùng, trong đó trước mắt là ưu tiên thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng liên kết, các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu có tính lan tỏa sau triển khai. Đặc biệt, cần phối hợp các nguồn vốn, gồm cả nhà nước và tư nhân để khai thác các thế mạnh của vùng. Đầu tư có trọng điểm các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường ven biển, sân bay, bến cảng, phát triển các dự án về năng lượng tái tạo, các hồ điều tiết nước ngọt.
Trên cơ sở đó, ĐBSCL phải thống nhất quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, từ đó xây dựng cơ chế liên kết nội vùng và ngoại vùng; nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng trục giao thông vận tải chiến lược nhằm rút ngắn thời gian đi tới TPHCM và vùng Đông Nam bộ, làm tiền đề cho việc bố trí lại dân cư; đẩy mạnh các hình thức liên kết thị trường thông qua việc tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh ổn định, minh bạch, bình đẳng và có chi phí giao dịch thấp. Để làm được điều đó, ĐBSCL phải bảo vệ môi trường, tài nguyên đất, nước, sinh thái và khoáng sản, cùng nhau ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cổng thông tin điện tử và cơ sở dữ liệu; liên kết xúc tiến đầu tư, hợp tác xây dựng hạ tầng thương mại dịch vụ và du lịch; khai thác các nguồn tài chính và xây dựng cơ chế tài chính sáng tạo cho phát triển vùng cùng với phát triển nguồn nhân lực.
Với vai trò đầu tàu và dẫn dắt của TPHCM, từ kinh nghiệm thực tiễn về liên kết vùng ở ĐBSCL, liên kết vùng sẽ tạo ra sức bật mới để phát triển trong tương lai, trước mắt là nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội!