Sức bật mới sau 20 năm

Cách đây 20 năm (ngày 1-1-1997) tỉnh Minh Hải được chia tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Qua chặng đường xây dựng và phát triển trong 20 năm, Bạc Liêu và Cà Mau đã đạt được những thành tựu khá toàn diện.
Sức bật mới sau 20 năm

Cách đây 20 năm (ngày 1-1-1997) tỉnh Minh Hải được chia tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Qua chặng đường xây dựng và phát triển trong 20 năm, Bạc Liêu và Cà Mau đã đạt được những thành tựu khá toàn diện.

Đổi thay ở xứ sở Dạ cổ hoài lang

Những ngày này, tỉnh Bạc Liêu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh. Nếu ai có dịp ghé thăm quê hương của bài Dạ cổ hoài lang sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ trên nhiều mặt. Trước đó, khi mới tái lập, Bạc Liêu được xem là một trong những tỉnh nghèo nhất khu vực ĐBSCL và cả nước. Bên cạnh đó, điểm xuất phát về kinh tế -  xã hội của tỉnh còn thấp và lạc hậu. Nằm ở vị trí cách xa các trung tâm kinh tế lớn nên điều kiện thu hút đầu tư, giao thương gặp nhiều trở ngại…

Quê hương bài Dạ cổ hoài lang ngày càng khởi sắc

Ông Nguyễn Bình Tân, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã rất nỗ lực, quyết tâm cao, từ đó đạt được những thành tựu rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể: tổng sản phẩm quốc nội địa (GRDP) năm 2016 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người tính theo GRDP năm 2016 ước đạt hơn 48,5 triệu đồng, tăng hơn 8 lần so với năm 1997. Tổng thu ngân sách trong cân đối năm 2016 ước đạt 2.567 tỷ đồng, gấp 20 lần năm 1997 (124 tỷ đồng)…

“Những thành tựu đó đã và đang tạo nên bộ mặt quê hương Bạc Liêu ngày thêm khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, lòng tin của nhân dân đối với Đảng bộ không ngừng được củng cố. Đây là những tiền đề quan trọng, tạo thêm sức bật phát triển của tỉnh trong thời gian tới”, ông Tân đúc kết.

Theo ông Tân, bước vào chặng đường mới, mà cụ thể là đến 2020, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân hàng năm từ 6,5% - 7%, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 54,36 triệu đồng; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; có 50% số xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 2%...

Tăng tốc ở vùng đất cực Nam

Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt, là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc nên có những lợi thế để phát triển. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn của Đảng bộ, quân và dân Minh Hải anh hùng trước đây, nên từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Cà Mau liên tục phát triển, thoát khỏi tỉnh nghèo, trở thành tỉnh có mức thu nhập trung bình; đồng thời là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trong điểm của vùng ĐBSCL. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng khá nhanh, tổng sản phẩm tăng 5 lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 8,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 37,7 triệu đồng, tăng gần 10,5 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng; thu ngân sách năm 2016 đạt 4.300 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 1997. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, đến nay sản phẩm thủy sản đã xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 7,7 lần so với năm 1997… Có thể nói, chặng đường 20 năm chưa phải là dài, nhưng đối với một tỉnh có xuất phát điểm thấp như Cà Mau thì thành tựu đạt được là rất quan trọng và khá toàn diện, thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà”.

Một góc TP Cà Mau đã thay đổi nhiều so với cách đây 20 năm

Kế hoạch đến năm 2020, Cà Mau phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5%, thu nhập bình quân đầu người trên 3.200 USD, tổng thu ngân sách 29.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,5%... “Với “Sức trẻ tuổi 20”, cộng với những công trình đang và sẽ đầu tư như: Khu kinh tế Năm Căn, các KCN ở Khánh An, Sông Đốc, Hòa Trung, Khu du lịch Mũi Cà Mau, Nhà máy điện gió Khai Long... sẽ tạo nên động lực giúp Cà Mau có sức bật mới phát triển hơn nữa…”, ông Hải kỳ vọng.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục