Sức ép 3 chiều

Người chăn nuôi từ đầu năm đến nay gặp không ít khó khăn cả về đầu ra sản phẩm và dịch bệnh thường xuyên đe dọa đàn gia cầm (gà, vịt) và gia súc (heo, bò, trâu…). Vài tháng trước, dịch heo tai xanh càn quét phần lớn các tỉnh thành cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam làm người chăn nuôi lao đao vì phải tiêu hủy để ngừa lây lan, sau đó là dịch bệnh lở mồm long móng đe dọa trên đàn trâu, bò miền Trung.

Hiện nay, thời điểm giao mùa, phù hợp cho dịch cúm gia cầm (H5N1) tái phát vào cuối năm và đầu năm sau khi trời trở lạnh, luôn đe dọa sức khỏe vật nuôi. Mỗi lần xảy ra bệnh hoặc dịch bệnh người chăn nuôi đã hao hụt bớt phần vốn đầu tư, dù đã được nhà nước đền bù, nên gặp khó khăn khi gây dựng đàn nuôi mới. Vẫn biết, dịch bệnh tái phát hàng năm là điều không bất ngờ, nhưng cách nhận thức của một bộ phận người chăn nuôi khi không tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh (chủng ngừa, phun xịt…) cũng như sự thờ ơ trách nhiệm của bộ phận thú y cơ sở góp phần dịch bệnh có điều kiện bộc phát. Trong khi đó, việc các doanh nghiệp kinh doanh thương mại gia tăng lượng thịt đông lạnh nhập khẩu từ mấy năm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cạnh tranh quyết liệt với hàng chăn nuôi trong nước nhằm bình ổn thị trường tiêu dùng, nhưng với người chăn nuôi, đó lại là một mặt trận mới phải đương đầu.

Nhưng sức ép thực sự của bà con đến từ giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tục. 12 tháng năm nay tăng giá 14 lần là một con số kỷ lục. Mấu chốt vấn đề là do lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Năm 2009, cả nước nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi khoảng 2,1 tỷ USD, năm nay sẽ không dừng lại con số này. Trong đó, nguyên liệu thức ăn giàu đạm như khô dầu đậu nành, bột cá, bột thịt phải nhập 90% - 95%. Chất khoáng, vitamin, tạo mùi lên đến 100%. Nhóm sản phẩm năng lượng (bắp, mì, cám gạo, lúa mì, khoai mì…), trước đây còn tự chủ được khoai mì, cám gạo và bắp. Nhưng hiện nay ngành chăn nuôi phải nhập cám và khoai mì về chế biến, khi khoai mì lại xuất khẩu để sản xuất xăng sinh học ethanol. Giá khoai mì trên 5.000 đồng/kg, quá cao để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Rõ ràng trong chiến lược phát triển trồng trọt và chăn nuôi, chúng ta chưa có sự phối hợp 2 lĩnh vực trong việc cùng hỗ trợ để phát triển. Nhiều loại cây trồng phục vụ chăn nuôi (đậu nành) không thể phát triển do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và giống nên năng suất không cao. Những cây có diện tích và sản lượng lớn như bắp, khoai mì, lại chủ yếu cho xuất khẩu, doanh nghiệp lại nhập với giá cao để chế biến thức ăn chăn nuôi.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục