Sổ tay

Sức hấp dẫn của một mô hình trồng lúa mới

Sự việc 15 hộ dân tại 2 xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trồng 11,4 ha lúa vừa được chứng nhận sản xuất theo quy trình Global GAP đã nói lên nhiều điều.

Theo Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, để được tham gia chương trình, bà con phải thay đổi nhiều tập quán thói quen sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như phải có: tủ thuốc gia đình, nhà vệ sinh tự hoại, hầm biogas, sân phơi có lưới che xung quanh, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, bình phun xịt, kho chứa lúa, điểm pha chế thuốc và điểm tập trung xử lý rác thải, nhất là bao bì thuốc. Nhưng điều khó khăn nhất, theo bà con là phải ghi chép hàng ngày những việc làm liên quan đến việc trồng lúa.

Đổi lại, bà con trồng lúa được doanh nghiệp (Công ty TNHH ADC) bao tiêu với giá thu mua cao hơn thị trường 20%.

Vụ đông - xuân vừa qua, bà con lãi ròng khoảng 36 triệu đồng, thay vì chỉ lãi khoảng 24 triệu đồng/ha nếu sản xuất theo tập quán cũ. Vì vậy, đã có hàng trăm hộ nông dân xung quanh đăng ký tham gia, nhưng quy định của Global GAP là diện tích phải liền khoảnh, diện tích không tăng quá 10% trong 12 tháng. Mỗi năm phải được xác nhận lại thì mới có thể mở rộng diện tích theo ý muốn. Do vậy, vụ hè - thu này chỉ có thể tăng thêm 1 hộ.

Chỉ đến vụ đông - xuân 2009 - 2010 mới có thể hy vọng tăng lên 105 ha cho 122 hộ. Khi Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư quốc gia cùng với tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo chỉ mời khoảng 200 đại biểu, nhưng lại có đến hơn 300 người tham gia ở nhiều tỉnh - thành phía Nam, kể cả Đắc Lắc là tỉnh vùng Tây Nguyên với lợi thế cây công nghiệp.

GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, trong nhiều cuộc họp đã cho rằng, bà con nông dân có thói quen làm ăn không có khuôn khổ, không trật tự, nhất là sản xuất thường theo thói quen cũ, vì vậy, khó hình thành vùng nguyên liệu nông sản, dẫn đến tình trạng “nay trồng mai chặt”. Nhưng với việc sản xuất theo quy trình này, bà con đã chấp hành khá tốt và chỉ qua 1 - 2 vụ đầu đã cho thấy sức hấp dẫn của nó.

Mô hình này mở ra nhiều điều mà từ trước tới nay chưa làm được. Đó là có thể gắn kết những hộ sản xuất nhỏ thành tổ chức có tư cách pháp nhân để đăng ký sản xuất theo quy trình Global GAP, đó chính là kinh tế hợp tác.

Ví dụ như Hợp tác xã Mỹ Thành Nam đã gắn với các dịch vụ khác với việc trồng lúa: sản xuất giống lúa xác nhận, dịch vụ gieo sạ hàng, thu hoạch bằng máy xếp giải, sấy lúa, cung ứng vật tư…

 Và điều quan trọng là bài toán về việc liên kết 4 nhà (theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ) đã có lời giải. Hai yêu cầu cơ bản dẫn đến thành công là nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như cách làm của huyện Cai Lậy

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục