Sức hút từ Kazakhstan

Sức hút từ Kazakhstan
Sức hút từ Kazakhstan ảnh 1

Cơ sở sản xuất dầu khí của Kazakhstan

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đến thăm Kazakhstan, rồi Phó Tổng thống Mỹ D.Cheney mới thăm Kazakhstan hồi đầu tháng 5. Một nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết có thể từ nay đến cuối năm đích thân Tổng thống G.W. Bush cũng sẽ ghé thăm Kazakhstan. Điều gì đã khiến Washington quan tâm nhiều đến quốc gia ở Trung Á này như thế?

Khi Nhà Trắng loan tin Phó Tổng thống D.Cheney đến thăm quốc gia Trung Á, một số nhà quan sát đã vội vã gắn vấn đề hạt nhân của Iran đang nóng lên với chuyến thăm. Quả thật Mỹ đang rất cần có thêm vài căn cứ không quân ở Trung Á, cho dù vấn đề Iran ra sao. Tuy nhiên trong trường hợp này, chỉ cần lưu ý rằng trước D.Cheney là chuyến thăm của Bộ trưởng Năng lượng thì sẽ thấy mối quan tâm của Washington không chỉ là các căn cứ quân sự.

Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Nhà Trắng đối với Kazakhstan chính là mỏ dầu khổng lồ Kashgan. Đây là mỏ dầu khí lớn nhất được phát hiện trong vòng 30 năm gần đây. Mỏ dầu này nằm ở ngoài khơi biển Caspia, thuộc phần biển chủ quyền của Kazakhstan. Khoảng từ 3 đến 4 năm nữa mỏ dầu Kashgan sẽ chính thức đi vào khai thác.

Từ nay đến đó, chính phủ Kazakhstan phải đi đến một quyết định lớn nhất: tuyến xuất khẩu cho dầu từ Kashgan. Bởi vị trí mỏ Kashgan rất xa Trung Quốc nên ngay từ đầu hướng xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị loại trừ. Nếu không bị Mỹ tác động, chính phủ Kazakhstan hiển nhiên đã chọn hướng xuất khẩu qua tuyến đường ống của Nga để sang châu Âu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dầu mỏ có nguy cơ bùng nổ nếu Iran bị đụng chạm, giờ đây Mỹ rất muốn Kazakhstan chọn hướng xuất khẩu dầu qua tuyến Baku-Ceykan. Đây là tuyến đường ống dẫn dầu từ Azerbaijan qua Gruzia, sang Thổ Nhĩ Kỳ, ra cảng Ceyhan trên bờ Địa Trung Hải. Chọn đường ống này là coi như Kazakhstan về lâu dài có mối quan hệ kinh tế với Mỹ, đồng thời phá thế độc quyền dầu mỏ Trung Á của Nga. Chính vì thế, sau Bộ trưởng Năng lượng là đến lượt Phó Tổng thống Mỹ thăm Kazakhstan. Ông Dick Cheney là nhân vật rất có kinh nhiệm kinh doanh dầu mỏ, từng giữ vị trí lãnh đạo các tập đoàn dầu mỏ lớn ở bang Texas.

Kazakhstan là nước lớn nhất và có mức sống cao nhất ở Trung Á. Nếu Mỹ chế ngự được Kazakhstan coi như đạt được bước đi quan trọng trong tiến trình chinh phục Trung Á.

Tuy nhiên, Chính phủ Kazakhstan chưa tỏ ra mặn mà với lời mời chào từ Mỹ. Chứng kiến thực tế xảy ra ở Ukraine, Gruzia, Kyrgystan, Uzbekistan đã có thể rút ra kết luận: Đi với Mỹ là có nguy cơ bất ổn, thậm chí bị lật đổ chế độ, dẫn đến kinh tế suy thoái, xã hội chia rẽ. Lợi ích kinh tế trước mắt làm sao bù đắp nổi thiệt hại lâu dài?

Washington sẽ còn phải tốn nhiều công sức để thuyết phục được Kazakhstan đi với mình.

TƯỜNG VÂN

Tin cùng chuyên mục