Gần 2 năm triển khai Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, kết quả mang lại rất khả quan. Trước hết, nền tảng, mục tiêu cũng như các nội dung của chương trình hợp tác đã được xác định, các bên đã ngày càng nhìn rõ thế mạnh của mình để triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt, khi TPHCM là thị trường có mức tiêu thụ, cũng là nơi trung chuyển hàng hóa lớn nhất nước.
Theo quan sát của chúng tôi, xuyên suốt trong quá trình thực hiện, lãnh đạo TPHCM luôn trăn trở sẽ làm gì để hỗ trợ tốt nhất cho DN của các tỉnh, cho sự phát triển bền vững của các địa phương trong vùng. Bởi lẽ, nói như Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan: “Việc liên kết, hợp tác với TPHCM luôn là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo và DN Đồng Tháp. Chúng tôi xem đó cũng là một phương cách bổ sung cho nguồn nội lực của tỉnh, bổ sung cho tư duy điều hành kinh tế của tỉnh, nói rộng ra là phương cách để giúp Đồng Tháp không còn “khuất nẻo” vì TPHCM chính là cửa ngõ để giúp các DN đưa hàng hóa vào một không gian rộng lớn”.
Để không “phụ lòng” lãnh đạo và DN của các tỉnh, TPHCM đã thực hiện hàng loạt chương trình để hỗ trợ DN các tỉnh tiếp cận với hệ thống phân phối, vận động các ngân hàng hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho tiểu thương tại một số tỉnh. Mặt khác, các DN của TP cũng không ngừng đầu tư để phát triển sản xuất, chuyển giao công nghệ trong từng lĩnh vực, đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm cho các DN, các HTX… TPHCM đã trở thành thị trường tiêu thụ khoảng 70% lượng hàng hóa, các sản phẩm chủ lực của nhiều tỉnh, thành. Cụ thể, TPHCM hiện đang tiêu thụ khoảng 70% lượng thịt gia súc, gia cầm của tỉnh Đồng Nai; 70% số lượng rau củ quả của tỉnh Lâm Đồng cũng được đưa về TP để tiêu thụ.
Thế nhưng trong thực tế triển khai chương trình hợp tác vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn, đặc biệt là việc phối hợp trong lĩnh vực phát triển hạ tầng thương mại. Bên cạnh các tỉnh đã ủng hộ mạnh mẽ cho các DN TP thiết lập và phát triển mạng lưới phân phối, cũng còn không ít địa phương vẫn “thích chơi” với các DN vốn ngoại vì họ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Chính điều này đã làm cho lãnh đạo một số DN tại TPHCM không ít lần chạnh lòng, còn các chuyên gia thị trường phải xót xa khi nhiều mặt bằng có vị trí đẹp nhất tỉnh đã rơi vào tay các DN vốn ngoại!
Một DN sản xuất mì ăn liền hàng đầu của VN cho hay, gần đây một số hệ thống siêu thị có vốn nước ngoài đã bắt đầu tỏ rõ thái độ “chiếu trên” với các nhà cung cấp. Họ ép chiết khấu hàng hóa khi đưa vào siêu thị đến mức nhà sản xuất gần như đi làm không công cho họ. Nếu nhà cung cấp không chấp nhận mức giá họ đưa ra, sẽ bị “mời” về ngay lập tức, hoàn toàn không có chuyện đàm phán giá như hồi họ mới vào VN. Đành rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn, sức mua thấp thì các nhà bán lẻ phải bước vào cuộc chiến “hàng giá rẻ” để lôi kéo khách. Nhưng nếu tình hình này kéo dài, các DN sản xuất sẽ “chết dần, chết mòn”, khi đó họ sẽ đưa hàng từ nước ngoài vào bán sẽ “biến” DN thành nơi gia công hàng nhãn riêng cho siêu thị. Hậu quả sẽ khôn lường! Ai nắm mạng lưới phân phối, người đó sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Đó là quy luật.
Quay trở lại với Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, để chương trình mang lại hiệu quả cao nhất, trước hết các bên cần đẩy mạnh việc thông tin về cung cầu hàng hóa. Việc thực hiện chương trình phải mang tính cầu thị, trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tăng cường liên kết đầu tư, phát triển mạng lưới phân phối. Những hoạt động này cũng cần được đặt trong sự tương tác, hướng đến sự phát triển kế thừa và bền vững của các DN. Hợp tác nhằm tạo sức mạnh “bó đũa” để ổn định sản xuất, đảm bảo cung cầu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều quan trọng hơn cả, hợp tác sẽ tạo cơ chế tốt nhất để chúng ta xây dựng được một đội ngũ DN đủ mạnh, có thể ứng phó tốt với các tình huống biến động từ thị trường, góp phần ổn định an sinh, xã hội.
THÚY HẢI