Những ngày qua, nhiều tờ báo thông tin về hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) bị các cơ quan chức trách Mỹ buộc phải nộp phạt 3 tỷ USD vì tội quảng cáo thuốc gian dối và hối lộ các bác sĩ. Hãng tin AFP cho biết GSK thừa nhận đã quảng bá một số công dụng của thuốc chống trầm cảm Paxil và Wellbutrin không được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua.
GSK cũng che giấu các số liệu về sự an toàn của thuốc chữa bệnh tiểu đường Avandia. Ngoài ra, GSK còn hối lộ các bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân thuốc của GSK… Thực ra, câu chuyện không có gì là mới cả, cái mới ở chỗ hãng dược phẩm GSK phải nộp phạt nhiều tiền. Trước đó, hãng dược A đã từng phải nộp phạt 1,6 tỷ USD do quảng cáo sai sự thật về một loại thuốc chống rối loạn tâm lý hay hãng dược J cũng có thể sẽ phải nộp phạt khoảng 2 tỷ USD cũng do quảng cáo láo công dụng thuốc chống rối loạn tâm lý…
Ngẫm người mà nghĩ đến ta. Quả thực, câu chuyện “hãng dược bắt tay bác sĩ kê toa” không còn xa lạ gì đối với cả nước ngoài lẫn trong nước. Ở trong nước, chuyện các hãng dược, nhất là các tập đoàn dược lớn của nước ngoài “đi đêm” với lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế để trúng thầu, “o bế” bác sĩ để kê toa thuốc không phải là hiếm, nếu như không nói là… chuyện thường ngày ở huyện. Xin nhắc lại câu chuyện mà báo chí phản ánh cách nay chưa lâu là các trình dược viên của hãng dược phẩm Shering - Plough đã “bắt tay” các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để kê thuốc điều trị viêm gan P.50 (Peg-intron 50mcg) và P.80 (Peg-intron 80mcg) cho bệnh nhân, thu lợi hoa hồng 10% - 30%. Mỗi tháng có bác sĩ được chiết khấu lên tới nửa tỷ đồng.
Mặc dù ngành y tế quy định bác sĩ không được tiếp xúc với trình dược viên, không được kê toa thuốc để hưởng hoa hồng nhưng ai kiểm soát điều này? Trước mỗi cửa phòng của bác sĩ ở nhiều bệnh viện đều ghi “không tiếp trình dược viên” nhưng đó là không tiếp ở bệnh viện, còn vẫn tiếp ở nhà hàng, nhà riêng thì sao? Quả thực, gánh nặng giá thuốc lên vai người bệnh, một phần là do sự “cầm tay bác sĩ kê toa” của các trình dược viên.
Hơn 60% chi phí mà Bảo hiểm Y tế phải thanh toán là tiền thuốc, trong đó có những loại thuốc có giá cao bất hợp lý. Cho nên, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng nghiêm khắc trong kiểm soát, xử lý các hãng dược có hành vi gian dối tương tự như GSK nói trên thì trước hết lương tâm của chính các bác sĩ, những từ mẫu, hãy tự xem lại mình trước nỗi đau, khốn khó của người bệnh.
QUỲNH CHI