Trái vải thiều từ nhiều năm qua đã trở thành một trong những mặt hàng đặc sản của miền Bắc. So với trồng lúa, trồng vải đã đem lại giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần cho người nông dân. Theo tính toán, giá bán 1 kg vải tươi trên toàn tỉnh Bắc Giang trong mùa vụ 2014 đạt mức 12.400 đồng/kg, đã trở thành động lực để người trồng vải có thể mở rộng diện tích canh tác, cải thiện cuộc sống.
Trên thực tế, theo báo cáo của các tỉnh có thế mạnh về trái vải, khả năng mở rộng diện tích trồng vải là rất lớn. Xu hướng canh tác theo các chuẩn GlobalGap, VietGAP… để cây vải cho trái đồng đều về chất lượng và kích cỡ đang được triển khai mạnh mẽ. Nhưng tại sao năm nào trái vải cũng chỉ quẩn quanh ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc, còn nếu không xuất được thì phải bán đổ, bán tháo, thậm chí là đổ bỏ?
Còn nhớ, có thời kỳ chỉ những gia đình khá giả tại TPHCM mới được ăn vải. Bởi lượng vải đưa vào TP rất ít, giá bán lên tới 60.000-70.000 đồng/kg, gấp nhiều lần so với trái xoài và nhiều loại trái cây khác thời bấy giờ nên không phải gia đình nào cũng mua được. Những năm gần đây, trái vải vào TP đã trở nên phổ biến hơn nhưng chất lượng chưa được tốt, giá bán còn khá cao. Nhìn lại các đợt “giải cứu” nông sản trong thời gian qua, từ cà chua, hành tây, dưa hấu, hành tím và nay là trái vải, cho thấy chỉ cần có hàng đưa vào TP với giá bán phù hợp và có chất lượng tương đối là người dân TP mua hết ngay. Điều này cũng đồng nghĩa, TPHCM với khoảng 10 triệu người nên nhu cầu sử dụng thực phẩm là rất lớn. Điển hình như năm 2014, sản lượng tiêu thụ trái vải tại TPHCM đạt 60.000 tấn, chiếm tới 50% sản lượng tiêu thụ trong nước, đến năm 2015 lãnh đạo TPHCM khẳng định, hoàn toàn có thể tăng lên 80.000 tấn vì nhu cầu vẫn còn rất lớn.
Bài toán đặt ra là vì sao điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ diễn ra liên tục, ngay với cả những mặt hàng thiết yếu nhất. Phải chăng khâu phân phối còn nhiều vấn đề? Sau 40 năm ngày giải phóng và gần 30 năm thực hiện đổi mới nền kinh tế, đến nay chúng ta mới ngồi lại để bàn về việc kết nối, đưa hàng nông sản thông thương giữa các vùng miền, còn những mặt hàng thời vụ như vải vẫn phải “nhờ cậy” đến Bộ Công thương giải quyết, quả là điều đáng buồn. Nói như Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, đã đến lúc nên xem trái vải cũng như nhiều mặt hàng khác là sản phẩm thương mại bình thường, không cần phải đặt lên bàn của các bộ, ngành chức năng. Nhưng để làm được việc này, tự thân nhà sản xuất phải nâng tầm chất lượng sản phẩm, còn DN phải làm tốt vai trò trung gian là thu mua và phân phối hàng hoá đến nhiều tỉnh, thành của cả nước. Theo đó, chính quyền, địa phương phải thể hiện rõ vai trò “bà đỡ” trong việc xây dựng thương hiệu hàng hoá, mở các đợt giao thương, kết nối với các tỉnh, thành để mở đường cho DN các bên hợp tác kinh doanh.
Ở góc độ rộng lớn hơn, VN đã hội nhập rất sâu và rộng, nên không thể phủ nhận, giá các mặt hàng trong nước đã và đang chịu tác động mạnh mẽ bởi giá thế giới. Tuy nhiên, còn một thực tế mà ai cũng nhìn thấy nhưng lại chưa xử lý được đó chính là việc phân phối hàng hóa qua quá nhiều tầng nấc làm tăng giá. Nói cách khác, việc xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại tại VN chưa được đầu tư đúng mức, còn giá bán lẻ đang được thả nổi và chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Chỉ khi nào việc hợp tác giữa vùng cung ứng nguyên liệu và nơi tiêu thụ được hợp tác tốt, hàng hoá có chất lượng, cũng như hoàn thiện về hạ tầng thương mại nhằm giảm tối đa tầng nấc trung gian, mới có thể ổn định được giá bán theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, khi đó mới kích thích được sức mua. Thực tế cũng cho thấy, “sân nhà” với lợi thế sức mua từ hơn 90 triệu dân, nhiều tập đoàn nước ngoài vào VN cũng chỉ với tâm thế khai thác sức mua từ thị trường nội địa. Do vậy, nếu chúng ta làm tốt khâu phân phối, giữ vững thị trường trong nước, chắc chắn việc lưu thông hàng hoá sẽ thông thoáng hơn. Như vậy, hàng nông sản theo mùa vụ của VN cũng sẽ “đến hẹn lại lên” vì có thị trường nội địa làm cứ điểm tiêu thụ, thay vì “đến hẹn lại thua” như trước
Hải Hà