Sức mạnh từ chương trình bình ổn

Sức mạnh từ chương trình bình ổn

Bắt đầu từ ngày 1-4, cũng là ngày đầu tiên của quý 2-2015, TPHCM đã đồng loạt triển khai 4 Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) cho cả năm 2015 và Tết Bính Thân 2016. Trong tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định do sức mua còn khá yếu, nhiều ý kiến cho rằng, liệu có cần phải thực hiện các CTBOTT? Và CTBOTT có nên chấm dứt vì nó đã hoàn thành tốt “sứ mệnh” của mình?

Thực tế không hẳn vậy. Bởi nói như Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, đặc trưng của thị trường TPHCM vừa đông dân, có sức tiêu thụ hàng hóa lớn nhất nước, cũng lại là nơi trung chuyển hàng hóa đến nhiều vùng, miền trong cả nước, nếu không có sự chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ về cung - cầu hàng hóa, sẽ không thể ổn định được thị trường, giá cả. Để cân đối về hàng hóa, ổn định giá cả, chúng ta không thể thực hiện bằng mệnh lệnh suông, mà cần có một kế hoạch triển khai thật chi tiết, cụ thể, trong đó nhiều cơ chế, chính sách phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Từ đó xây dựng được một đội ngũ DN lớn mạnh, đủ sức chi phối về hàng hóa và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Đây cũng chính là mục đích, ý nghĩa của các CTBOTT TPHCM đã và đang thực hiện hiệu quả từ nhiều năm qua.

Sản xuất cung ứng thuốc bình ổn thị trường tại Công ty Euvipharm. Ảnh: CAO THĂNG

CTBOTT năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 cũng không là ngoại lệ. So với những năm trước, năm nay chương trình tiếp tục được xã hội hóa ở mức cao nhất, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các thành phần kinh tế và nhiều loại hình DN. Chương trình bình ổn năm nay khẳng định sự lớn mạnh vượt trội về nhiều mặt: Tổng số DN tham gia 4 CTBOTT (gồm CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm; CTBOTT các mặt hàng mùa khai trường; CTBOTT các mặt hàng sữa và CTBOTT các mặt hàng dược phẩm) là 85 DN, tăng 9 DN so với năm 2014. Tổng vốn dành cho chương trình lên tới 11.850 tỷ đồng (tăng 3.550 tỷ đồng so với năm 2014), lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,5% - 2%. Cách triển khai chương trình ngày càng đa dạng, đi vào chiều sâu và chuyên nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tăng cường liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sức mạnh để cung ứng hàng hóa cho chương trình.

Biểu hiện rõ nhất, trong tổng mức vốn 11.850 tỷ đồng, năm nay TPHCM đã bổ sung thêm gói tín dụng hỗ trợ DN xuất khẩu, nâng tổng số lên 4 gói tín dụng. Cụ thể: gói dành cho DN vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng là 6.100 tỷ đồng, lãi suất 5% - 6%/năm; gói dành cho DN ngoài chương trình tham gia Chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn thị trường vay ngắn hạn 12 tháng là 2.750 tỷ đồng, lãi suất 6,5% - 8,5%/năm; gói cho DN trong Chương trình vay trung và dài hạn để đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối là 2.100 tỷ đồng, lãi suất 7% - 10%/năm; gói tín dụng hỗ trợ DN bình ổn thị trường đẩy mạnh xuất khẩu hạn mức 900 tỷ đồng, lãi suất 2% - 4%/năm.

Bên cạnh gói tín dụng dành cho bình ổn, các DN trong chương trình còn được hỗ trợ lãi vay, nếu có dự án đầu tư đúng đối tượng theo quy định tại Quyết định 33 và Quyết định 38 về sửa đổi, thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của TPHCM, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2013 - 2015. Ngoài ra, các DN cũng được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn thị trường, điểm bán bình ổn thị trường khi tham gia chương trình và các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường trong khuôn khổ chương trình. Năm 2015, TPHCM tiếp tục đưa logo của CTBOTT vào các sản phẩm để tăng sự nhận biết của người tiêu dùng về hàng bình ổn…

Về phía các DN, để đáp ứng đủ các tiêu chí của chương trình đề ra, họ cũng đang có nhiều nỗ lực để hoàn thiện về nhiều mặt: đổi mới máy móc thiết bị theo hướng hiện đại hóa sản xuất; khép kín quy trình đầu tư trong chăn nuôi, tiến tới tự chủ về nguồn hàng; tăng cường dự trữ nguyên vật liệu, tiết giảm các chi phí nhằm ổn định giá cả, tăng sức cạnh tranh sản phẩm và phát triển mạnh hệ thống phân phối.

Rõ ràng, trong bối cảnh các DN Việt Nam còn nhiều điểm yếu, nguồn cung đối với một số mặt hàng chưa đủ mạnh, hệ thống phân phối hàng hóa chưa hoàn thiện thì việc Nhà nước đứng ra làm “bà đỡ”, thông qua CTBOTT trong những năm vừa qua là rất hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, sức lan tỏa từ thành công của CTBOTT tại TPHCM được khẳng định ở nhiều khía cạnh, quan trọng là TPHCM biết khơi gợi mọi nguồn lực xã hội để cùng tham gia bình ổn. Biểu hiện sống động từ nhiều năm qua, mặc dù TPHCM là TP có mức tiêu dùng cao nhất nước nhưng CPI luôn tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI cả nước. Trong quá trình thực hiện TP đã đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, thông qua các tiêu chí rất cụ thể như DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển, sản xuất kinh doanh. Cách làm này cho thấy TPHCM đã vận dụng sáng tạo cơ chế điều hành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với CTBOTT, TPHCM gần như hoàn thành việc hỗ trợ, nuôi dưỡng và quy tụ được các DN mạnh cùng tham gia chương trình, qua đó thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của mình trước cộng đồng, xã hội.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục