Sức sống nông thôn mới

Sức sống nông thôn mới

Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển rộng khắp, góp phần làm thay đổi diện mạo ở các làng quê ngày càng khang trang, hiện đại hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM ở một số nơi vẫn còn những hạn chế, trở ngại cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới…

Kết quả tích cực

Là tỉnh ở cực Nam tận cùng của Tổ quốc, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ… thế nhưng, khi triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh Cà Mau đã phát huy được sức mạnh tổng lực để phát triển trên nhiều mặt. Trong đó, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo tiền đề đưa khu vực kinh tế nông thôn đi lên. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau: “Lúc mới thực hiện chương trình thì bình quân chung ở tỉnh chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã, nhưng sau 5 năm xây dựng các xã trong tỉnh đã đạt bình quân chung 13,6 tiêu chí/xã, tăng 10,1 tiêu chí/xã. Có 17 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 20,7% tổng số xã của tỉnh. Đây là kết quả rất đáng khích lệ đối với vùng sông ngòi chằng chịt như Cà Mau”. Cũng khởi sắc trong phong trào xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “5 năm qua, Đồng Tháp đã huy động hơn 33.571 tỷ đồng đầu tư cho NTM; trong đó có 719 tỷ đồng do người dân đóng góp tự nguyện bằng việc hiến đất, hiện vật, tiền mặt, ngày công lao động… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa - xã hội cơ bản đạt yêu cầu, phục vụ tốt cho việc sản xuất và sinh hoạt của bà con. Thành quả này có sự đóng góp to lớn của người dân trong suốt quá trình thực hiện”.

Người dân huyện Châu Thành (An Giang) đóng góp kinh phí xây dựng cầu nông thôn khang trang

Qua thống kê mới đây của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang cho thấy, vào năm 2010 thu nhập của người dân trong tỉnh thấp, chỉ đạt 10,34 triệu đồng/năm. Từ khi triển khai thực hiện NTM, các ngành chức năng ở Hậu Giang tập trung xây dựng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, cách làm hay như: Mô hình xóa trắng ấp nghèo, mô hình cánh đồng lớn, mô hình trồng cam sành theo hướng VietGAP, thành lập câu lạc bộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng… nhằm triển khai rộng rãi cho người dân áp dụng. Song song đó, tỉnh lồng ghép nhiều chương trình để đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông nông thôn… từng bước đã làm thay đổi diện mạo làng quê một cách tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 1 đơn vị cấp huyện (thị xã Ngã Bảy) và 13/54 xã được công nhận NTM. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,80% xuống còn 6,23%. Thu nhập bình quân đầu người nâng lên hơn 28,17 triệu đồng/người/năm…

Thay đổi cách làm

Ngoài những kết quả đạt được trên nhiều mặt, việc xây dựng NTM ở một số nơi phát sinh những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Điển hình như một vài địa phương huy động quá mức sự đóng góp của người dân, có nơi chạy theo thành tích, chỉ tiêu dẫn đến nợ đọng khá lớn. Công tác tổ chức, bộ máy chỉ đạo, điều hành ở một số xã, huyện chưa hợp lý nên chưa phát huy được sức mạnh tổng thể. Đáng lo ngại nhất là chủ thể nhân dân chưa được phát huy đúng mức, xuất hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại ngày càng tăng…

Để chương trình xây dựng NTM giai đoạn năm 2016- 2020 đạt hiệu quả cao hơn, cần mạnh dạn thay đổi nhiều mặt. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, đề xuất: “Phải có sự thay đổi cách thức vận hành trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở, thông qua cơ sở nhằm trao quyền nhiều hơn cho người dân chủ động bàn bạc, tự quyết những nội dung, công việc cần làm gắn với lợi ích cộng đồng. Thay đổi sâu để nâng chất các nội dung tiêu chí, lấy mức độ tiếp cận và thụ hưởng của người dân để đánh giá hoàn thành tiêu chí, cũng như xét công nhận NTM. Ngoài ra, tập trung xây dựng thiết chế văn hóa - xã hội trong cộng đồng nông thôn để duy trì tốt “tình làng nghĩa xóm”, tạo lập cho người dân đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống và sản xuất…”.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ xây dựng NTM một cách hiệu quả hơn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện… kiểm tra, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM. Trong năm 2016 sẽ phân bổ kinh phí hơn 44 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ các xã đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó phấn đấu 6 xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, huy động các nguồn lực thúc đẩy các xã còn khó khăn nhanh chóng phát triển”. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, để tạo sự đồng lòng trong thực hiện NTM cần thực hiện tốt quy chế dân chủ. Các dự án, các công trình liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân phải đảm bảo thiết kế và xây dựng đúng quy định; đồng thời công khai minh bạch cho dân biết. Đối với những đơn vị, cá nhân… làm tốt, có sáng kiến hay, thiết thực thì cần biểu dương, khen thưởng thỏa đáng, kịp thời, nhằm kích thích mọi người cùng tham gia xây dựng NTM.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xác nhận, đến nay Cần Thơ đã có một đơn vị cấp huyện và nhiều xã được công nhận đạt chuẩn NTM; tuy nhiên, Cần Thơ sẽ phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới với quan điểm chung không nóng vội, không để xảy ra nợ đọng. Do đó, mọi việc thực hiện phải có sự bàn bạc và đồng lòng giữa người dân và các ngành liên quan. Mục tiêu quan trọng là làm sao nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn ngày càng cao hơn, sung túc hơn…

HUỲNH LỢI

Tin cùng chuyên mục