Sức sống Tam Nông

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Tam Nông), bộ mặt nhiều nơi ở ĐBSCL đã thay đổi rõ rệt: Nhà cửa khang trang, đường nông thôn trải nhựa thẳng tắp, điện thắp sáng về tận xóm ấp… Đặc biệt là nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp mới được ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn ĐBSCL.
Sức sống Tam Nông

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Tam Nông), bộ mặt nhiều nơi ở ĐBSCL đã thay đổi rõ rệt: Nhà cửa khang trang, đường nông thôn trải nhựa thẳng tắp, điện thắp sáng về tận xóm ấp… Đặc biệt là nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp mới được ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn ĐBSCL.

  • Động lực phát triển

Mới mùng 1 Tết Nhâm Thìn, ông Võ Hồng Ngoãn, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã ra đồng tôm tranh thủ lấy nước chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm 2012. Ông Ngoãn cho biết, từ mùng 1 đến mùng 7 Tết có con nước rất tốt, nên dù bận rộn cỡ nào cũng phải dành thời gian lấy nước từ biển đưa vào các ao dự trữ, sau đó xử lý theo đúng quy trình để chính thức xuống giống vụ tôm mới vào tháng 2. Từ phương pháp sản xuất chu đáo, tuân thủ lịch thời vụ, nhiều năm qua ông là một trong những người nuôi tôm thành công nhất ở ĐBSCL. Riêng năm 2011, ông nuôi 15ha tôm công nghiệp, bán với giá từ 220.000 - 240.000 đồng/kg, tổng thu trên 6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lời 3 tỷ đồng.

Ông Ngoãn bộc bạch: “Số tiền trên dư sức cho cả nhà ăn tết lớn. Tuy nhiên, để có được bước tiến về kinh tế như hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, còn nhờ những chủ trương chính sách của Nhà nước đã thúc đẩy ngành thủy sản phát triển và nông dân được hưởng lợi rất nhiều”. Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng tôm bạt ngàn ở xã Vĩnh Trạch Đông, ông Ngoãn kể: “Trước đây vùng này còn hoang sơ, đa phần là cây mắm, cây đước, nhiều hộ dân áp dụng nuôi tôm tự nhiên nhưng không đạt hiệu quả. Từ khi Nhà nước quy hoạch phát triển tôm công nghiệp, đã phát huy được tiềm năng của xã Vĩnh Trạch Đông”.

Do chi phí đầu tư hạ tầng cho nghề nuôi tôm rất lớn nên nhiều hạng mục chưa thể đáp ứng, căng thẳng nhất là không có điện buộc phải chạy máy dầu rất tốn kém. Khi Nghị quyết Tam Nông ra đời và đi vào cuộc sống, năm 2009 nhiều nơi nuôi tôm ở Vĩnh Trạch Đông có được điện, góp phần thúc đẩy mô hình tôm công nghiệp phát triển mạnh. Từ 3 ha ban đầu, ông mở rộng quy mô nuôi lên 15 ha, có lúc tới 50 ha… đồng thời áp dụng mô hình nuôi mật độ thưa theo hướng bền vững, mỗi năm ông Ngoãn bỏ túi vài tỷ đồng.

Ông Trương Văn Thắng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau tâm sự: “Nghị quyết Tam Nông với việc ưu tiên đầu tư nông nghiệp, nông thôn đã tạo bộ mặt mới ở nhiều vùng quê. Nếu như trước đây ở Biển Bạch Đông đất đai nhiễm phèn, sản xuất kém hiệu quả. Từ khi được đầu tư hệ thống thủy lợi, chuyển dịch sang nuôi tôm đã tạo hướng đi mới giúp nông dân làm giàu”.

Từ năm 2009 đến nay giá tôm duy trì ở mức cao, người nuôi thắng lớn. Gia đình ông Thắng từ khó khăn, nay có thu nhập bình quân từ 300 - 500 triệu đồng/năm, nhờ đó mà trở nên khá giả. Theo UBND xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), hàng ngàn hộ dân ở xứ biên giới mỗi năm trông vào cây lúa. Nhưng do nằm ở vùng đầu nguồn, thường xuyên bị lũ uy hiếp nên chỉ sản xuất được 2 vụ lúa/năm, tính ra lời không bao nhiêu. Nhờ Nhà nước hỗ trợ từ các nguồn, trong đó có chính sách Tam Nông, xã Tân Hộ Cơ được đầu tư hệ thống đê bao kiên cố để sản xuất 2.300ha lúa vụ 3 mùa lũ. Ngay vụ đầu tiên vào năm 2011, toàn bộ diện tích trúng mùa - trúng giá, người dân rất phấn khởi.

Nông dân thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang. Ảnh: KIM NGÂN

Nông dân thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang. Ảnh: KIM NGÂN

  • Tiếp tục tăng suất đầu tư

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tam Nông, từ nay đến năm 2015, Nhà nước sẽ tăng vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn; song song đó tăng cường huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp cùng tham gia nhằm đạt các mục tiêu chương trình đề ra. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất - chất lượng cao để tăng thu nhập cho dân trên cùng đơn vị diện tích.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL trăn trở, chúng ta tự hào là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng đời sống nông dân trồng lúa chưa giàu thì mục tiêu chưa trọn vẹn. Nghị quyết Tam Nông với định hướng đầu tư mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là điều kiện thuận lợi để cải thiện đời sống người dân. Cùng với việc gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng hạt gạo, hiện nay các tỉnh ĐBSCL phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, đã mở ra hướng sản xuất lúa gạo bền vững giúp nông dân làm giàu.

Theo PGS- TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam những năm qua tăng liên tục. Nếu như năm 2008 xuất khẩu rau quả đạt 407 triệu USD thì năm 2011 tăng lên 600 triệu USD. Trước đây không ai ngờ trái cây ĐBSCL xuất được vào những thị trường khó tính. Nay thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm… đã có mặt ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada…

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang vận dụng Nghị quyết Tam Nông và các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện. Cái mới của Đồng Tháp là không áp dụng đại trà mà chọn những chỉ tiêu phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao. Vấn đề là làm sao thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới, đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hiện đại…

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, với hơn 8.000km sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, điều kiện đi lại ở Cà Mau rất khó khăn. Những năm qua tỉnh vận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông, đã thúc đẩy giao thông nông thôn phát triển liên tục. Tỉnh huy động sức dân thực hiện trên 3.300km đường bê tông, xây 3.519 cầu nông thôn với tổng kinh phí 1.852 tỷ đồng. Riêng năm 2011, xây dựng 407km đường bê tông. Mục tiêu đến năm 2015, tất cả các xã đều đảm bảo xe 4 bánh đến được trung tâm. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục