
Lấy nhân vật từ bộ phim tài liệu “Tay đào đất” đã thực hiện trên vùng đất nắng cháy Phan Rang nhiều năm trước, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dựng thành phim truyện với ý tưởng sâu hơn, với một cái nhìn khái quát về cuộc sống khắc nghiệt sau chiến tranh…
Điều đó là tất nhiên, vì đây không chỉ là câu chuyện về sự gan lì hay những sáng kiến đào mìn để biến mảnh đất chết trở thành ruộng lúa của một anh lính “cộng hòa” có hai vợ như “Tay đào đất”. Ở đây, trong những tình tiết được xâu kết xung quanh nhân vật chính, một cuộc sống tuy cô đặc trong nỗi sợ hãi đến nghẹt thở, nhưng lại thấm sâu bằng những nốt lặng rất tình người.

Tãi và Thuận, cô vợ cả trong phim.
Sau 1975, Tãi, cùng với những anh lính “cộng hòa” về vùng kinh tế mới - đó là vùng đất giao tranh cũ, nơi còn găm hàng chục ngàn quả mìn còn im ắng trong lòng đất. Và những ngôi nhà chỉ được dựng lên ở những nơi đã được dọn sạch bom mìn, bên cạnh là cả một vùng đất mênh mông còn gắn bảng tử thần vì công binh chưa vói tới. Đất thì mênh mông bạt ngàn mà nông dân chỉ biết đứng đó để nhìn… và chịu đói.
Đó là giai đoạn gian nan, khắc nghiệt nhất của đất nước, là thời kỳ người dân phải dè xẻn hốt từng nắm gạo trong hũ nhà mình với nỗi lo bất tận cho từng ngày. Và dù biết bước qua hàng kẽm gai có gắn bảng tử thần là đùa với cái chết, nhưng vẫn không ít người bước vào để tìm cái ăn bằng sắt vụn, kẽm gai và những trái mìn gỡ được đem về bán cho nơi thu mua phế liệu… Mìn nổ, người chết không toàn thây không phải là hiếm, nhưng cuộc vật lộn mưu sinh vẫn cứ tiếp diễn… Sợ vẫn sợ, nhưng cái đói còn đáng sợ hơn nhiều.
Nhân vật Tãi đã là một điển hình, nhưng Tãi đã không chết, vì anh đã biết cách để trị những quả mìn tưởng rằng bất trị… để biến vùng đất chết thành cánh đồng của riêng anh. Nhân vật ấy có thực trong cuộc sống vì thế nó vào phim sống động và chân thực như cuộc sống vốn có. Vấn đề là chuyện gỡ bom mìn của Tãi nếu làm non tay, chắc hẳn phim chỉ còn có sắt vụn, tiếng nổ trên vùng đất khô cháy Phan Rang, và như vậy người xem sẽ chỉ có thể ngồi lại cùng tác giả của nó nhiều lắm là 15 phút…
Nhưng phim đã cuốn hút suốt 90 phút và người xem đã khóc cười cùng với nó. Ngay phần mở đầu phim, nhân vật Quyên cũng đã tạo một nút thắt hấp dẫn với giọng nói mệnh lệnh, khô khốc của cô cán bộ cách mạng bên cạnh nét hiền hoà, chân chất của Năm… Nhân vật Năm và tình yêu đơn phương của anh đã như một thứ nước hồi sinh trên vùng đất cằn khô đè nặng không khí chết chóc của bom mìn.
Năm yêu Quyên, vì cô mà anh đến với cách mạng, và anh đã sống như một chiếc bóng lặng lẽ, lúc cô lấy chồng, lúc chồng cô hy sinh, anh luôn bên cạnh cô trong nỗi đau lớn nhất, âm thầm chở che, âm thầm giúp đỡ, và tìm mọi cách giúp mọi người cảm thông với cô… Hình ảnh anh đã nổi lên, trong sáng và vô tư như chính lời “báo công” có một không hai của anh trước hội nghị: anh theo cách mạng vì cô rủ đi, anh gỡ mìn vì cô gỡ mìn và anh ở đây vì cô đã chọn vùng đất này… T
ất cả đều được nói thật, chỉ có tình yêu thật thì lại không dám nói, và nó lại tiếp tục thể hiện bằng những lu nước đầy trong cơn mưa, bằng đôi mắt ấm áp, bao dung… Để khi thân xác anh bay lên không trung sau tiếng nổ kinh hoàng, cô mới thấu hiểu với giọt nước mắt muộn màng. Chi tiết chiếc dép giắt lên cây và cái bàn thờ Tãi lập giữa vùng đất chết để thờ chiếc dép đẫm máu của anh đã làm người xem ngộp đi trong cảm xúc.
Tãi có hai vợ, và tình yêu của anh đã được thể hiện đúng với bản chất con người anh. Nó bình dị, không nhiều lời, nhưng dữ dội. Vì mưu sinh, anh có thể bất chấp, dù sợ đến tái xanh, sợ đến mụ mẫm cả người… Và sau nỗi sợ ấy, anh bấu víu vào bản năng sinh tồn nghìn năm của con người như là một sự lãng quên, một sự chở che…
Ngay cả khi Tãi về với vợ cả, lấy gạo để đem nuôi vợ nhỏ rồi ôm đầu cho anh vợ đánh cũng khá là người, một chi tiết khá đắt cho thấy sự cùng đường của Tãi, để hiểu vì sao anh dám lao vào bãi bom mìn để đi tìm sự sống. Và trong không khí quánh đặc của lo âu, sợ hãi, câu chuyện đi đẻ cùng lúc của hai bà vợ Tãi là một nụ cười dí dỏm mà cũng khá sâu sắc, đó là những phút thư giãn nhưng cũng đầy ý nghĩa.
Mặc dù có những hạt sạn không đáng có như mái tóc dài rất “chịu chơi” của Tãi và của Năm ở thời điểm mới giải phóng, nhưng” Sống trong sợ hãi” là một bộ phim hay, và chắc rằng sẽ được đánh giá cao khi được phát hành ở nước ngoài và trong các liên hoan phim quốc tế.
Nói điều này để thấy những nghịch lý của thị trường điện ảnh Việt Nam, bởi hiện giám đốc Hãng Phim truyện 1 đang tất bật, và đang cố hết sức để đưa nó vào mạng lưới chiếu bóng cả nước. Vì cũng như “Mùa len trâu”, người ta không tin lắm vào doanh thu phát hành của nó…
Phim truyện nhựa màn ảnh rộng. Biên kịch: Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Diễn viên: Trần Hữu Phúc, Ngô Phạm Hạnh Thúy… Sản xuất 2005.
NGÔ NGỌC NGŨ LONG