
Nga vừa trình làng chiếc máy bay dân dụng thế hệ mới Sukhoi Superjet 100 (hợp tác giữa Sukhoi với Boeing). Chiếc máy bay mới có sức chở 78-98 hành khách sẽ thay thế chiếc Tupolev-134 và Yakovlev Yak-42, phạm vi bay khoảng 4.550 km. Nó sử dụng ít nhiên liệu hơn, dễ bảo trì và có giá 28 triệu USD/chiếc, tức rẻ hơn khoảng 10% so với các máy bay loại vừa của phương Tây.
“Đứa con thời đại mới”

Tổng thống Putin với mô hình Sukhoi Superjet 100.
Sau giai đoạn thử nghiệm năm 2008, Sukhoi dự tính sẽ sản xuất khoảng 30 chiếc Superjet trong năm 2009. Khoảng 71 chiếc đã được đặt hàng, chủ yếu là từ hãng hàng không Nga Aeroflot và 10 chiếc nữa từ một hãng Italia.
Mục tiêu của Sukhoi là trong 15, 20 năm nữa sẽ bán được khoảng 1.000 chiếc Superjet, với tỷ lệ bán ra nước ngoài là 70%. Sukhoi cũng hy vọng sẽ có được giấy chứng nhận an toàn hàng không của châu Âu và Hoa Kỳ trong năm tới.
Tổng giám đốc Sukhoi, ông Mikhail Pogossian, nói chiếc Superjet là “đứa con của thời đại mới, hiện đại và hội nhập”, hướng đến thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, đưa thị trường hàng không của Nga lên vị trí thứ ba các nước sản xuất máy bay trong năm 2015-2018, chiếm 10% thị phần thế giới.
Nói cách khác, Nga muốn sử dụng máy bay dân dụng để phục hồi quá khứ thành công trong việc sản xuất máy bay. Khi Liên Xô không còn, việc sản xuất máy bay dân dụng lâm vào khủng hoảng thiếu vốn trầm trọng.
Các hợp đồng làm ăn với những nước cộng hòa trước đây bị lỗ và Nga lâm vào cảnh phá sản. Trong thời hoàng kim, Liên Xô sản xuất hơn 100 máy bay dân dụng/năm, nhưng trong những năm 1990, sản lượng giảm hẳn một nửa. Năm ngoái chỉ có 8 chiếc xuất xưởng trên toàn quốc, chỉ ngang bằng số máy bay Airbus ra lò trong một tuần.
Trọng trách cao
Từ lâu Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mong muốn Nga sớm trở lại vị trí siêu cường hàng không. Phó Thủ tướng Sergei Ivanov đang chịu trách nhiệm về chính sách phát triển công nghệ hàng không, cũng bày tỏ ý định Nga sẽ kiểm soát từ 10 đến 12% thị phần máy bay dân dụng toàn cầu từ năm 2024.
Hiện tại Nga chỉ có chưa đầy 1% trong thị trường này. Điều quan trọng nhất, ông Putin muốn chứng minh công nghệ hàng không Nga sẽ sớm làm được nhiều hơn, thay vì chỉ cung cấp phụ tùng cho các hãng “khổng lồ” Boeing và Airbus. Ngay cả Brazil cũng đang trội hơn Nga với những chiếc Embraer.
Từ chỉ đạo của Tổng thống Nga, riêng những cái tên của các “kiến trúc sư” hàng không cũng đủ cho thấy Nga tích cực phấn đấu là một siêu cường hàng không trở lại: Andrei Tupolev và Artem Mikoyan, một trong những “cha đẻ” của các chiến đấu cơ Mig vốn vẫn được đánh giá cao trên thế giới, đang là những kỹ sư làm việc trong Viện Khí động lực học trung ương (ZAGI) ở vùng ngoại ô phía Đông Matxcơva.
Đây là cái nôi của vô số kỷ lục thế giới của công nghệ hàng không Liên Xô. Như chiếc máy bay đa động cơ đầu tiên toàn bằng kim loại đã cất cánh ở đây hồi năm 1926. Các kỹ sư ZAGI vào cuối 1968 còn lập kỷ lục thế giới với chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay siêu thanh đầu tiên Tupolev Tu-144, hai tháng trước khi Anh và Pháp giới thiệu chiếc máy bay siêu thanh Concorde.
Niềm hy vọng của ZAGI là Viktor Subbotin 54 tuổi, Giám đốc nhánh dân dụng Grazhdanskiye Samolyoty Sukhogo (GSS) của tập đoàn kỹ thuật quân sự Sukhoi. Mỗi tuần ba lần ông từ Matxcơva đến ZAGI làm việc và mỗi chủ nhật ông họp với các nhân viên cấp cao ngay tại xí nghiệp khổng lồ này.
Trách nhiệm của ông rất nặng nề: xác định khả năng cất cánh trở lại của công nghệ hàng không quốc gia. GSS đã hạ mục tiêu từ năm 2024 sẽ bán được 800 chiếc Superjet, riêng ở Nga là 300 chiếc để thay thế khoảng 1.000 chiếc máy bay hiện nay của Nga.
Diên Hy
(Theo báo nước ngoài)