Suy giảm kinh tế, vẫn khát lao động

* Cuối 2009: Thêm 300.000 lao động mất việc
Suy giảm kinh tế, vẫn khát lao động

* Cuối 2009: Thêm 300.000 lao động mất việc

Tại hội thảo bàn về thực trạng và giải pháp đối với lao động bị mất việc làm do suy giảm kinh tế được Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH tổ chức tại TPHCM ngày 8-6, có một “sự lạ” là tất cả các tỉnh, TP có đông doanh nghiệp (DN)  đều kêu “khát” lao động. Thực hư chuyện này như thế nào?

Số liệu báo cáo: Cầu gấp... 75 lần cung!

Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: MAI HƯƠNG

Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: MAI HƯƠNG

Tại hội nghị, lần đầu tiên, con số lao động (LĐ) mất việc được các đơn vị báo cáo chính thức. Theo thống kê của Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH, quý I năm 2009, có 1264 DN đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến 64.897 LĐ mất việc, chiếm 10% tổng số LĐ và gần 39.000 LĐ bị thiếu việc làm.

Các ngành có lượng LĐ mất việc và thiếu việc nhiều nhất là ngành gia công, chế biến hải sản, nông sản, điện tử, địa ốc, những DN có hàng xuất khẩu sang nước ngoài hoặc có nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là ngành dệt may. Theo Hiệp hội Dệt may, từ đầu năm 2009 đến nay, TPHCM có hơn 9.000 LĐ dệt may bị mất việc…

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của các tỉnh, TP, hầu hết số LĐ bị cắt giảm trong thời gian vừa qua đều đã được hỗ trợ tìm việc làm mới. Cụ thể: Tỉnh Bình Dương có 95% LĐ mất việc được giải quyết việc làm mới. Tại TPHCM và Đồng Nai, tỷ lệ này cũng đạt 80%. Số còn lại chưa có việc làm phần lớn thuộc đối tượng lớn tuổi, không có tay nghề, bản thân tự tìm việc làm mới hoặc trở về quê.

Không những thế, bài toán giải quyết đầu ra cho những LĐ mất việc còn có vẻ hết sức đơn giản khi nhu cầu tuyển dụng LĐ tại các nơi đều rất cao. Cụ thể: tại TPHCM tính đến cuối tháng 5-2009, có gần 21.900 LĐ mất việc trong khi nhu cầu tuyển dụng của các DN là 61.527 người, gấp 3 lần số LĐ mất việc.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 862 LĐ mất việc nhưng lại đang có nhu cầu tuyển 4.000 người (gấp 4,6 lần), Bình Dương có 8003 LĐ mất việc nhưng toàn tỉnh đang cần tuyển 41.600 người (gấp 5,2 lần). Đồng Nai có 5.460 LĐ mất việc nhưng số LĐ cần tuyển là 25.000 người (gấp 4,6 lần). Cá biệt, tại TP Cần Thơ, qua khảo sát của Sở LĐTB-XH tại 36 DN cho thấy chỉ có 69 người mất việc và thôi việc nhưng số LĐ dự kiến tuyển thêm là 5.212 người- gấp 75 lần số LĐ thiếu việc.

Chỉ là thiếu cục bộ?

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM thì hiện tại, các KCX-KCN TP đang cần tuyển gần 12.000 CN trong các ngành: may mặc, chế biến thực phẩm, điện tử, cơ khí (theo đặt hàng trực tiếp của DN với trung tâm, chưa kể các nguồn nhu cầu do DN tự đăng bảng tuyển).

Bà Trịnh Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM cho biết: Hiện tại, Trung tâm giới thiệu việc làm TP luôn có đơn đặt hàng với số lượng tuyển trên 1.000 LĐ cho các DN nhưng vẫn không thể đáp ứng.

Nguyên nhân có thể lý giải là do hiện đang có một bộ phận DN đã khôi phục sản xuất và bắt đầu tuyển dụng LĐ. Cụ thể, hiện có 33 DN trước đây ngưng sản xuất, nay hoạt động trở lại. Nhiều DN trước đây cắt giảm CN, nay lại mời số CN cũ vào làm trở lại khi có đơn hàng mới (chẳng hạn như Công ty TNHH Nidex Copal, Công ty TNHH Kollan).

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng LĐ Tiền lương Tiền công, Sở LĐTB-XH TPHCM kể: “LĐ khó tuyển đến mức nhiều khi đồng nghiệp của chúng tôi ở Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, Đồng Nai gọi điện lên nhờ tôi liên hệ với số LĐ bị mất việc của TPHCM để đưa xe lên tận nơi đón về địa phương làm nhưng chúng tôi vẫn không tìm được NLĐ để cung cấp”.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, khi GDP của cả nước giảm đi 1% thì số việc làm mất đi phải chiếm tỷ lệ từ 0,33-0,34%. Như vậy, một khi nền kinh tế còn chưa hồi phục thì tổng quỹ việc làm của cả nước so với khi thời kỳ ổn định, sụt giảm lớn là đương nhiên.

Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Đại Đồng cũng cho biết: Theo dự đoán, tình trạng suy giảm của nền kinh tế vẫn chưa chấm dứt thì từ nay đến cuối năm 2009, cả nước có thể có thêm 300.000 LĐ mất việc làm.

Xét về tổng thể, nguy cơ mất việc, thiếu việc vẫn đang đe dọa số đông NLĐ, đặc biệt là những LĐ phổ thông, không có  tay nghề, trình độ. Do vậy, tình trạng thiếu LĐ như báo cáo của một số địa phương, chỉ thể coi là thiếu cục bộ, tại một số tỉnh, TP lớn tập trung nhiều KCX-KCN.

Sự thiếu hụt này có thể là do LĐ nhất thời chuyển dịch từ địa phương hoặc công ty này sang địa phương hoặc công ty khác; hoặc là do một số DN trước đó đã đối xử với NLĐ theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, tăng ca, giãn ca liên tục, chế độ lương thưởng không đảm bảo, đến khi thiếu việc làm thì sa thải hàng loạt…

Thực tế đã cho thấy, hầu hết những DN vội vã cắt giảm LĐ đều không thể tuyển đủ số lượng cần thiết khi tình hình sản xuất đã ổn định.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục