Suy thoái kinh tế châu Âu có thể lan rộng toàn cầu

Báo cáo mùa Xuân mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 3-5 đã tô thêm gam màu tối lên bức tranh kinh tế tổng thể của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trước tình hình này, EC buộc phải nương tay với các biện pháp khắc khổ luôn bị đổ lỗi là nhân tố bóp nghẹt tăng trưởng.
Suy thoái kinh tế châu Âu có thể lan rộng toàn cầu

Báo cáo mùa Xuân mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 3-5 đã tô thêm gam màu tối lên bức tranh kinh tế tổng thể của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trước tình hình này, EC buộc phải nương tay với các biện pháp khắc khổ luôn bị đổ lỗi là nhân tố bóp nghẹt tăng trưởng.

  • Những dấu hiệu rõ nét

Những dấu hiệu tiêu cực đang phát đi hồi chuông cảnh báo, khiến giới phân tích không thể loại trừ nguy cơ thế giới rơi vào cuộc đại suy thoái mới. Theo giới phân tích, một trong những bằng chứng rõ nhất của nguy cơ này, là việc tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp và Tây Ban Nha vượt mức kỷ lục của Mỹ trong thời kỳ đại suy thoái diễn ra đầu những năm 1930.

Trong khi doanh số bán ô tô của Pháp và Đức giảm lần lượt 16% và 17% trong tháng 3-2013 thì tại Hà Lan, nợ tiêu dùng hiện đã tăng lên khoảng 250% thu nhập ròng. Tại Italia, sản lượng công nghiệp giảm 25% trong 5 năm qua, còn tỷ lệ nợ công tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng lên 136%. Số công ty Tây Ban Nha nộp đơn xin phá sản tăng 45% so với 1 năm trước. Do bong bóng nhà đất vỡ tung tại Tây Ban Nha, hiện vẫn còn tới 3 triệu căn hộ bị bỏ không. Ngân hàng Deutsche của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có tới hơn 72.000 tỷ USD thuộc diện “dễ bị tổn thương”, trong khi GDP của Đức hiện chỉ khoảng 3.600 tỷ USD.

Thanh niên Tây Ban Nha biểu tình chống thất nghiệp.

Thanh niên Tây Ban Nha biểu tình chống thất nghiệp.

Dấu hiệu tiếp theo thể hiện ở giá trị các khoản nợ khó đòi tại châu Âu, kể từ năm 2007 đã tăng thêm 150%. Số tiền rút ra tại Cộng hòa Cyprus trong tháng 3 vừa qua đã tăng gấp đôi so với tháng trước đó, mặc dù các ngân hàng nước này đã đóng cửa tới nửa tháng để tránh nguy cơ có thể sụp đổ hệ thống ngân hàng do hết tiền mặt.

Các nhà phân tích sự báo, suy thoái kinh tế toàn diện đang hoành hành khắp khu vực Nam Âu sẽ sớm lan sang Bắc Âu và cuối cùng lan khắp toàn cầu.

  • Chìm sâu vào suy thoái

Báo cáo của EC dự báo, kinh tế Eurozone sẽ suy thoái nghiêm trọng hơn trong những tháng còn lại của năm 2013 và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục 12%. GDP của 17 nước thành viên Eurozone sau khi giảm 0,6% trong năm 2012 sẽ tiếp tục giảm 0,4% trong năm nay, cao hơn so với dự đoán giảm 0,3% đưa ra hồi tháng 2. EC dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone sẽ tăng lên mức kỷ lục 12% trong năm nay và 11% trên toàn Liên minh châu Âu (EU), trong đó Tây Ban Nha là nước có tỷ lệ thất nghiệp ở mức báo động 27%.

Ngoài dự báo ảm đạm chung về kinh tế Eurozone, EC cho biết năm 2013, kinh tế Pháp và Cộng hòa Cyprus đều rơi vào suy thoái, trong đó Pháp sẽ tăng trưởng âm 0,1% trong năm 2013 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 10,6% trong năm nay lên 10,9% vào năm tới.

Thâm hụt ngân sách của Pháp cũng được dự báo sẽ tăng từ 3,9% GDP trong năm nay lên 4,2% GDP trong năm 2014. Tây Ban Nha được dự báo chưa thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng do bong bóng nhà đất kéo dài suốt 10 năm gây ra. EC dự đoán kinh tế nước này sẽ giảm 1,5% trong năm 2013 trước khi đạt mức tăng trưởng 1,4% trong năm 2014.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế của Eurozone càng thêm u tối khi ngày 6-5, Công ty IHS Global Insight có trụ sở tại London (Anh) công bố kết quả khảo sát đối với hàng ngàn công ty trên toàn Eurozone cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân trong tháng 4 vừa qua vẫn rất yếu kém. Hai khu vực chế tạo và dịch vụ cũng không có dấu hiệu sáng sủa hơn. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp hoạt động kinh doanh tại Eurozone sụt giảm.

  • Chưa đồng thuận về chính sách

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đã bước sang năm thứ 3 liên tiếp, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng các nước châu Âu thay vì áp dụng các biện pháp kinh tế khắc khổ cần đầu tư cho tăng trưởng và tạo việc làm để giảm căng thẳng xã hội.

Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso nói sự ủng hộ của người dân đối với các biện pháp khắc khổ đã đến giới hạn nhất là khi làn sóng biểu tình phản đối diễn ra rầm rộ khắp châu Âu. EC đã quyết định nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng cho một số nước, trong đó có Pháp, qua việc cho phép kéo thời hạn giảm thâm hụt ngân sách. Đối với Brussels, việc kéo dài thời gian giảm thâm hụt ngân sách là hợp lý trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Trái lại, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định ít lựa chọn nào có thể thay thế các chính sách thắt lưng buộc bụng đang được áp dụng trên toàn châu Âu. Bà Lagarde cho rằng, các chương trình kích thích kinh tế là giải pháp bất khả thi bởi chúng chỉ làm gia tăng gánh nặng nợ công. Bà Lagarde nhấn mạnh dù bị nhiều người chỉ trích vì đã đi đầu chiến dịch thắt lưng buộc bụng, Đức đã bắt đầu gặt hái những thành quả của các chính sách này. 

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục