Suy thoái kinh tế: Kẻ khóc người cười

Bài 1: Hai nền kinh tế lớn lao đao
Suy thoái kinh tế: Kẻ khóc người cười

Bài 1: Hai nền kinh tế lớn lao đao

Đến nay, suy thoái kinh tế đã lan rộng khắp thế giới. Thế nhưng, có vẻ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đây có thể là cơ hội để Trung Quốc bứt phá.

Mỹ: 4 - 5 năm nữa mới “khỏe” lại?

Thất nghiệp, mất nhà phải ra đường ngủ như người đàn ông này đang là mối lo của một bộ phận người lao động Mỹ . Ảnh: Getty Images

Thất nghiệp, mất nhà phải ra đường ngủ như người đàn ông này đang là mối lo của một bộ phận người lao động Mỹ . Ảnh: Getty Images

Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ đưa ra đầu tháng 5-2009, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này là 8,9% (tương đương 6,7 triệu lao động), đây là tỷ lệ cao nhất trong 26 năm qua.

Riêng trong tháng 4-2009, số người bị mất việc là 539.000, một con số mà các nhà kinh tế cho rằng thấp hơn nhiều so với mức dự báo. So với tháng 3-2009 (số người mất việc là 699.000) nhiều người cho rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái của nền kinh tế đang dần chạm tới đáy.

Nhà nghiên cứu kinh tế Ethan Harris cho rằng: “Nó là sự xác nhận chúng ta đang ở thời kỳ đầu của chu kỳ hồi phục”. Tuy nhiên, thật ra con số này cũng chỉ mới phản ảnh “tốc độ” thất nghiệp bắt đầu chậm lại chứ không nói lên được điều gì khác. Theo một số nhà kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên đến 10% vào cuối năm nay.

Trong khi đó cuộc khủng hoảng tài chính ở ngành ngân hàng và công nghiệp ô tô đến nay vẫn còn rất u ám.

Ngày 22-5, lại có thêm 2 ngân hàng Strategic Capital Bank và Citizens National Bank (bang Illinois) phải đóng cửa vì khủng hoảng tài chính, nâng tổng số ngân hàng kinh doanh thất bại lên con số 36.

Trước đó, vào đầu tháng 5-2009, Ngân hàng Bank of America đã phải bán bớt tài sản của mình ở Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc nhằm nâng cao nguồn lực tài chính.

Trong khi đó, trước khả năng Tập đoàn General Motors (GM) cũng phải nộp đơn xin phá sản như Chrysler, Tổng thống Barack Obama đã phải lên tiếng: “Ngành công nghiệp ô tô là nền tảng của cả nền kinh tế. Nếu chúng ta để GM và Chrysler sụp đổ thì đó sẽ là cách làm phản kinh tế, đi ngược lại chủ trương kích thích kinh tế mà chúng ta đang theo đuổi. Nếu để cho mọi việc diễn ra như thế, chúng ta sẽ chìm sâu hơn vào cơn khủng hoảng hiện nay”.

Mới đây, ngày 23-5, GM xác nhận Bộ Tài chính đã đồng ý “bơm” thêm cho GM 4 tỷ USD. Tính từ tháng 12-2008, chính quyền Mỹ đã chi cho Tập đoàn GM và Chrysler tổng cộng 36,6 tỷ USD. Tuy nhiên, chừng đó có vẻ chưa đủ. Theo Reuters, nhiều khả năng GM sẽ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản trước tháng 6 này.

Theo khảo sát của 45 chuyên gia dự báo, do Hiệp hội quốc gia về kinh tế doanh nghiệp (NABE) công bố ngày 27-5, suy thoái kinh tế Mỹ có thể kết thúc vào quý 3 năm nay. Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy cuộc khủng hoảng của thị trường nhà đã bắt đầu lắng dịu khi gói kích cầu 787 tỷ USD của chính phủ bắt đầu có tác dụng.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Joseph Brusuelas cho rằng ngay cả khi cuộc suy thoái kinh tế hiện nay kết thúc sớm, có lẽ phải mất 4 đến 5 năm thị trường lao động Mỹ mới “khỏe” trở lại.

Nhật Bản: Tiềm ẩn “thập kỷ mất mát” thứ 2

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Nhật Bản cũng chịu tình cảnh khó khăn chẳng thua kém gì với “người anh cả” Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản do suy thoái kinh tế cũng ngày một tăng trong khi hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật đều thua lỗ trong năm qua.

Việc các “đại gia” như Toyota, Sony, Panasonic… thua lỗ, đóng cửa một số nhà máy khiến cho tình trạng thất nghiệp càng tồi tệ hơn.

Trong năm tài khóa 2008 (kết thúc 31-3-2009), Panasonic đã lỗ 379 tỷ yên (khoảng 4 tỷ USD). Đối thủ cạnh tranh của Panasonic là Sony cũng lỗ 1 tỷ USD. Trong khi đó, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2009, Tập đoàn Toyota đã lỗ 765,8 tỷ yên (khoảng 7,7 tỷ USD), nâng mức thua lỗ trong năm tài chính vượt hơn mức dự đoán 436,94 tỷ yên. Đây là mức thua lỗ tồi tệ nhất từ trước đến nay của tập đoàn này. Dự báo trong năm tài chính 2009 (kết thúc tháng 3-2010), Tập đoàn Toyota còn có thể lỗ thêm 550 tỷ yên.

Theo báo cáo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1-2009 của Nhật sẽ giảm 4% so với tháng 4-2008 và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2008. Đây là mức giảm kỷ lục trong gần 55 năm qua. Trong quý 4 - 2008, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 26%.

Trong năm tài chính vừa qua, lượng xe bán ra của Tập đoàn Toyota là 7,57 triệu chiếc,  giảm 15,1% so với năm trước, sang năm tới có thể giảm còn 6,5 triệu chiếc.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 25-2, thâm hụt thương mại của nước này lên đến 952,6 tỷ yên (tương đương 9,9 tỷ USD) - con số kỷ lục kể từ năm 1980. Tuy nhiên, các nhà phân tích còn dự đoán thâm hụt thương mại có thể lên đến 1,2 ngàn tỷ yên.

Trước tình cảnh khó khăn, các “đại gia” trong lĩnh vực xuất khẩu như Toyota, Sony… đã phải tạm đóng cửa một số nhà máy và cắt giảm hàng ngàn lao động. Theo báo cáo vào cuối tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật đã tăng từ 4,4% vào tháng 2 lên 4,8%. Đến nay, tại Nhật, có khoảng 3,35 triệu người mất việc.

Để giảm bớt áp lực trước tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng, chính phủ đã đưa ra chương trình hỗ trợ kinh tế để “mời” số lao động người nước ngoài (chủ yếu người Brazil và Peru gốc Nhật) rời khỏi Nhật Bản. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng chương trình này quá thiển cận và thiếu nhân bản…

Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản còn lo ngại do kinh tế khó khăn, người dân bắt đầu cắt giảm chi tiêu dễ dẫn đến tình trạng giảm phát. Trong tháng 4-2009, lượng xe Toyota bán ra giảm 32%, Nissan giảm 38,7%. Các chuyên gia cảnh báo chỉ số giá tiêu dùng có thể giảm 1,5%.

Nhà phân tích Takeshi Minami của Viện Nghiên cứu Norinchukin cho biết: “Do thất nghiệp, mức tiêu của người dân sẽ rất yếu, tạo nên áp lực buộc phải giảm giá tiêu dùng nên dễ dẫn đến giảm phát. Tình trạng giảm phát sẽ gây thêm tổn thất cho nền kinh tế và nhiều công ty sẽ khó có thể tăng được lợi nhuận”.

Trong qua khứ, nước Nhật đã từng đối mặt với giảm phát vào những năm 1990 khi người dân “thực hành” tiết kiệm do kinh tế khó khăn. Người ta gọi thời kỳ này là “thập kỷ mất mát”. Theo dự báo của Ngân hàng Bank of Japan, tình trạng giảm phát có thể sẽ kéo dài trong 2 năm.

Bài 2: Cơ hội “trăm năm có một” của Trung Quốc?

Theo báo cáo công bố đầu tháng 5-2009, kinh tế Trung Quốc có thể tăng 7% trong quý 2 năm 2009. Ở quý 1, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,1%, đây là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua, cho thấy kinh tế nước này đang từng bước phục hồi.


Trung Quốc giàu hay nghèo?

Trên BBC ngày 6-5, tác giả Chris Hogg đã có bài viết đặt câu hỏi “Trung Quốc giàu hay nghèo?” khi phân tích một số vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ suy thoái. Sự tương phản giàu nghèo đã làm cho tác giả Chris Hogg không thể đưa ra câu trả lời xác đáng.

Nhìn từ nóc tòa nhà Trung tâm tài chính thế giới cao nhất Thượng Hải, thấy thành phố Thượng Hải thật giàu có, sành điệu và hiện đại. Sự phát triển nhanh chóng trong những năm trước đây đã biến thành phố Thượng Hải thành một đối thủ của các thành phố lớn khác trên thế giới như New York (Mỹ) hay Tokyo (Nhật Bản). Nhưng khi xuống đất lại khác: ô nhiễm, ồn ào, dơ bẩn và đông nghịt xe cộ.

Một góc phố đêm ở Thượng Hải. Ảnh: National Geopraphic

Một góc phố đêm ở Thượng Hải. Ảnh: National Geopraphic

Ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải chẳng hạn, thế giới thứ nhất (phát triển, giàu có) và thế giới thứ 3 (kém phát triển, nghèo đói) không chỉ cùng tồn tại mà còn xung đột lẫn nhau. Dưới chân tòa nhà Trung tâm Tài chính thế giới, một người phụ nữ quỳ gối, mặt áp sát mặt đường xin ăn. Tất cả mọi người đi qua đều phớt lờ người phụ nữ nghèo khổ này. Chính quyền cũng đã vất vả trong việc làm thế nào giải quyết vấn đề người nghèo bên ngoài các tòa cao ốc, những người đến từ các vùng nghèo khó với mong muốn tìm được việc làm để có một cuộc sống tốt hơn.

Ông Andy Tsieh, người tự nhận mình là một nhà kinh tế độc lập, thừa luận rằng Trung Quốc không còn là một nước nghèo nữa. “Trong quan hệ thương mại, Trung Quốc là quốc gia có ngành thương mại lớn nhất thế giới hiện nay. Trong năm nay hoặc năm tới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có vẻ như sẽ vượt xa so với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”.

Tuy nhiên, theo giáo sư Dingli của Trường Đại học Fudan ở Thượng Hải thì: “Chúng tôi đã tích lũy được một số tiền lớn nhưng chúng tôi cũng đã gây ra một thảm họa khổng lồ cho môi trường sinh thái. Chúng tôi không có sự phát triển bền vững và ổn định. Vì thế, tôi kết luận rằng Trung Quốc vẫn là một nước nghèo về môi trường, sinh thái…”.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới xếp Trung Quốc vào chung nhóm nước có thu nhập thấp và trung bình giống như Bolivia, Ấn Độ và Syria.

Tuy vậy, vào thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc lại đang có “dáng vẻ” tốt hơn so với nhiều quốc gia phương Tây, nhiều khả năng sẽ “chiếm” vị trí số 2 của Nhật Bản trong vài năm tới.

Từ đây nảy sinh một nghịch lý: Trong khi hiện tại Trung Quốc vẫn là nước đang được nhận hàng trăm triệu USD hỗ trợ từ các nước phương Tây thì các quốc gia này lại đang e ngại các tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc có thể sẽ nắm quyền kiểm soát các tài sản giá trị cao như mỏ hoặc những tài sản chiến lược khác của phương Tây.

Vậy nên cư xử với Trung Quốc như thế nào? Một nước nghèo cần giúp đỡ hay là một quốc gia giàu có với nền kinh tế mạnh mẽ mà các nước khác phải e ngại?

Tận dụng cơ hội

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nói: “Thách thức và cơ hội luôn đến cùng một lúc”.

Khi suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, nó là thách thức cho hầu hết nền kinh tế ở các nước nhưng nó còn mở ra cho các tập đoàn lớn ở Trung Quốc cơ hội sở hữu các công ty khai khoáng, mỏ… cùng các tài sản chiến lược ở nước ngoài với sự hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Trung Quốc.

Do suy thoái, nhiều tập đoàn lớn ở các nước bị khủng hoảng tài chính trầm trọng, buộc phải bán bớt tài sản nếu không muốn phá sản.

Theo thống kê, trong tháng 2-2009, các công ty của Trung Quốc đã bỏ ra hàng chục tỷ USD để mua tài sản ở các nước Iran, Brazil, Nga, Venezuela, Australia…

Ngày 12-2, Tập đoàn kim loại Chinalco của Trung Quốc đã ký thoản thuận trị giá 19,5 tỷ USD với công ty khai thác mỏ lớn thứ 2 thế giới của Australia Rio Tinto, theo đó Chinalco sẽ được tăng gấp đôi cổ phần ở Công ty Rio Tinto.

Ngoài ra, Trung Quốc còn dùng tiền cho nước khác vay nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng. Ngày 17 và 18-2, Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã ký thỏa thuận cung cấp 25 tỷ USD cho Nga và 4 tỷ USD cho Venezuela, đổi lại 2 nước này có nhiệm vụ cung cấp dầu cho công ty này.

Ngày 19-2, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận với Công ty Petrobras của Brazil theo cách tương tự với mức cho vay 10 tỷ USD. Cũng trong thời điểm này, Iran thông báo đã ký hợp đồng phát triển khu vực đáy biển vịnh Persian với một công ty Trung Quốc trị giá 3,2 tỷ USD.

Trong khi các nước vẫn đang đối phó với suy thoái kinh tế thì Trung Quốc một mặt cũng đối phó với suy thoái, mặt khác lại đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.

Nếu tốc độ đầu tư như trong tháng 2 tiếp tục được duy trì, có thể tổng trị giá đầu tư ở nước ngoài trong năm 2009 của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi so với năm trước.

Trong năm 2008, tổng trị giá sát nhập và mua lại các công ty ở nước ngoài của Trung Quốc là 52,1 tỷ USD. Giới truyền thông Trung Quốc gọi đây là cơ hội trăm năm có một, trong khi các nhà phân tích thì cho rằng xu hướng này giống như cách Nhật Bản đã từng thực hiện vào những năm 1980.

Giám đốc tư vấn Công ty Phân tích và nghiên cứu thị trường Mysteel.com, Xu Xiangchun, cho biết: “Việc Trung Quốc bắt đầu đầu tư hay mua một số công ty khai khoáng ở nước ngoài với giá rẻ trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng là điều bình thường. Nhật Bản cũng đã làm như thế trong thời kỳ đầu phát triển”.

Sau các công ty khai khoáng và năng lượng, có thể các tập đoàn của Trung Quốc sẽ mua lại các công ty sản xuất xe hơi.

Xa hơn nữa, Trung Quốc còn muốn “nâng cấp” đồng nhân dân tệ thành một ngoại tệ mạnh trên toàn cầu, có thể cạnh tranh được với đồng USD.

Bài 3: “Điểm sáng” Na Uy trong bức tranh ảm đạm của châu Âu

Trong khi nền kinh tế các nước châu Âu tiếp tục chìm sâu trong ảm đạm thì Na Uy lại khác. Nhờ sử dụng nguồn thu từ xuất khẩu dầu thích hợp, Chính phủ Na Uy đã giữ được sự thịnh vượng của đất nước mình.

Châu Âu tiếp tục “chìm sâu”

Suy thoái kinh tế: Kẻ khóc người cười ảnh 3

Nhờ sử dụng tốt nguồn thu từ dầu mỏ, chính phủ Na Uy đã giúp người dân có cuộc sống an nhàn

Trong 3 tháng đầu năm, kinh tế khu vực châu Âu (gồm 16 nước: Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bỉ, Phần Lan, Áo, Cyprus, Ireland, Luxembourg, Malta, Slovakia, Slovenia) đã giảm 2,5%, đây là mức giảm tệ hại nhất kể từ năm 1995. Trong khi trước đó, các nhà phân tích cho rằng kinh tế khu vực châu Âu sẽ chỉ giảm 2,2% trong quý 1 và 4,1% trong cả năm 2009. So với năm 2008, kinh tế khu vực châu Âu đã giảm 4,6% trong khi cả Liên minh châu Âu giảm 4,4%.

Dữ liệu của Cục Thống kê cộng đồng châu Âu cho thấy, “cơn bão” suy thoái kinh tế đã gây thiệt hại cho châu Âu nặng hơn so với Mỹ, nơi khởi nguồn “cơn bão” suy thoái kinh tế hiện nay. Trong quý 1 năm 2009, kinh tế Mỹ chỉ giảm 1,6% và dự đoán cả năm giảm 2,6%.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong quý 1 năm 2009, suy giảm kinh tế lên đến 3,8%, mức suy giảm kỷ lục kể từ năm 1970 ở quốc gia này. Tại Pháp, suy giảm kinh tế trong quý 1 là 1,2%. Italia là 2,4%. Tại Tây Ban Nha, theo báo cáo của Viện Thống kê quốc gia, suy giảm kinh tế trong quý 1 của nước này là 3% so với cùng kỳ năm ngoái, GDP giảm 1,9% trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 17%, tỷ lệ cao nhất trong Liên minh châu Âu.

Tại các nước thuộc khu vực Đông Âu như Hungary, Latvia, Romania, Serbia… tình hình còn khó khăn hơn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải xuất ngân quỹ để hỗ trợ 4 nước Hungary, Latvia, Romania và Serbia vượt qua suy thoái. Giám đốc IMF Strauss-Kahn, cho biết: “Có lẽ chúng tôi sẽ phải nhanh chóng có những chương trình mới để giúp đỡ các nước này”.

Trước thực trạng suy giảm kinh tế, trong cuộc họp đại biểu thường niên tại London (Anh) ngày 15-5, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) đã đồng ý chi 7 tỷ euro (khoảng 9,4 tỷ USD) trong năm 2009 để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và các dự án tài chính. Tuy nhiên, Chủ tịch EBRD Thomas Mirow cho biết, EBRD không nghĩ rằng khu vực châu Âu và Đông Âu có thể hồi phục kinh tế trước năm 2010.

Kinh nghiệm từ Na Uy

Khi các nhà đầu tư trên thế giới hốt hoảng bán cổ phiếu khi khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Na Uy, Kristin Halvorsen, đã cho phép quỹ tài sản do nhà nước làm chủ (trị giá 300 tỷ USD) tăng thêm 60 tỷ USD, tương đương 23% GDP, cho chương trình mua chứng khoán. Bà Kristin Halvorsen tỏ vẻ hài lòng khi thị trường chứng khoán bắt đầu hồi phục vào đầu tháng 3 năm nay. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới suy giảm nhưng với Na Uy thì không ảnh hưởng mấy.

Chính phủ Na Uy đã có hướng đi riêng cho đất nước mình. Khi những nước khác tỏ ra phung phí, Na Uy lại tiết kiệm. Khi các nước kêu gọi giới hạn vai trò của chính phủ, Na Uy lại càng đẩy mạnh vai trò của một nhà nước chăm lo phúc lợi nhân dân.

Na Uy là nước nhỏ với khoảng 4,6 triệu dân nhưng là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Năm 2008, Na Uy đã thu được 68 tỷ USD từ xuất khẩu dầu. Mặc dù giá dầu đã giảm mạnh nhưng chính quyền Na Uy vẫn không mấy lo lắng nhờ đã tránh được “cái bẫy” mà nhiều nước giàu nhiên liệu đã gặp phải. Na Uy đã thông qua một bộ luật cho phép nguồn thu từ xuất khẩu dầu được chuyển thẳng vào quỹ tài sản do nhà nước làm chủ, để đầu tư vào nhiều lĩnh vực ở khắp nơi trên thế giới. Quỹ tài sản này được xem là lớn nhất thế giới hiện nay cho dù năm qua nó đã giảm đi 23% giá trị. 

Ngoài ra, tiêu chí tiết kiệm chi tiêu chính phủ cũng đã góp phần phát triển kinh tế Na Uy. Điều này hoàn toàn trái ngược với nước Anh. Trong thời kỳ bùng nổ giá dầu, Chính phủ Anh đã chi tiêu hầu hết nguồn thu từ khai thác xuất khẩu dầu Biển Bắc (dầu Brent) thì Na Uy lại tiết kiệm những đồng USD kiếm được từ việc xuất khẩu dầu của mình. Chi tiêu chính phủ của Anh đã tăng từ 42% vào năm 2003 lên 47% GDP, trong khi đó chi tiêu chính phủ của Na Uy lại giảm từ 48% xuống 40% GDP.

Anders Aslund, chuyên gia về vùng Scandinavia của Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Peterson ở Washington (Mỹ) nói: “Mỹ và Anh đã không ý thức về tinh thần trách nhiệm nhưng Na Uy thì khác. Họ ý thức rằng, nếu bạn cho đi nhiều bạn phải có trách nhiệm về việc đó”. Nhà kinh tế học Eirik Wekre thì mô tả: “Nếu chúng ta tiêu tiền thoải mái vào lúc này đồng nghĩa với việc sẽ lấy đi rất nhiều của thế hệ tương lai”. Nguồn tài chính từ xuất khẩu dầu kể từ đầu những năm 1970 đã giúp cho người dân Na Uy có được cuộc sống an nhàn. Tính bình quân GDP trên đầu người là 52.000 USD.

Theo dự báo mới nhất, kinh tế Na Uy năm 2009 sẽ giảm 1,9%. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho biết sẽ đẩy mạnh chi ngân sách để kích thích phát triển. Theo Bộ trưởng Tài chính Kristin, mặc dù tăng chi tiêu ngân sách nhưng chính phủ vẫn tin rằng thặng dư ngân sách năm 2009 sẽ đạt khoảng 36 tỷ USD.

Giống như nhiều nước khác trên thế giới, thị trường địa ốc ở Na Uy cũng tăng mạnh trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái kinh tế nó đã không trượt dốc như ở Mỹ do ở Na Uy không có nhiều ngân hàng cho vay để đầu tư bất động sản. Sau khi điều chỉnh giá xuống 15%, thị trường địa ốc của Na Uy có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Nhà kinh tế Arne J. Isachsen, thuộc Trường Quản lý Na Uy, cho biết: “Các ngân hàng của Na Uy hiện vẫn đang trong tình trạng sức khỏe tốt và rất thận trọng trong việc cho vay. Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng chỉ chiếm khoảng 2% trong nền kinh tế Na Uy. Cùng với sự giám sát chặt chẽ trong hoạt động cho vay của chính phủ đã giúp cho các ngân hàng Na Uy tránh khỏi nguy cơ sụp đổ”.

NGỌC LÊ (tổng hợp)
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục