“Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”

“Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”

Trong 50 năm văn học nghệ thuật (VHNT) hiện đại Việt Nam, đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn không chỉ chiếm số lượng lớn mà còn được đánh giá cao về mặt giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, tự do, độc lập, thống nhất… Con đường Trường Sơn là biểu tượng cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vĩ đại mà Hồ Chí Minh là hình tượng tiêu biểu. Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, những thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đồng lòng cùng đất nước với khẩu hiệu “Văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chúng ta tự hào nhận thấy chủ đề về Bác Hồ, về Trường Sơn là một đỉnh cao của nền văn hóa cách mạng.

Bác Hồ bắt nhịp bài “Kết Đoàn”. Ảnh: Lâm Hồng Long.

Bác Hồ bắt nhịp bài “Kết Đoàn”. Ảnh: Lâm Hồng Long.

Có mấy điểm đáng trân trọng và ghi nhận: Chúng ta đã huy động được một đội ngũ sáng tác VHNT hùng hậu với tinh thần tự nguyện và tự giác. Có lẽ trong lịch sử VHNT cách mạng, chưa có thời kỳ nào chúng ta huy động được mọi lực lượng làm VHNT, đoàn kết dưới một ngọn cờ như thời kỳ này.

Ấy là những văn nghệ sĩ của thời tiền chiến, theo cách mạng và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp; nhiều văn nghệ sĩ trẻ, xuất thân là người lính đi lên từ cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Một Trần Đăng Khoa mới 8 tuổi đã trở thành thần đồng thơ.

Hầu như tất cả văn nghệ sĩ yêu nước đều có những tác phẩm hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Sơn. Chính trong thời gian này đã có những tác giả chuyên sáng tác đề tài về Bác Hồ và Trường Sơn.

Ấy là họa sĩ Diệp Minh Châu, Phạm Đỗ Đồng, Quang Thọ, Thanh Tâm; nhạc sĩ Trần Hoàn, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Hoàng Hiệp, Huy Thục, Doãn Nho, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Phạm Minh Tuấn, Thuận Yến, Nguyên Nhung, Vũ Trọng Hối, Hoàng Hà; nhà văn Sơn Tùng; nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Hải Như, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng; nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài, Minh Trường, Trần Ấm...

Cũng có thể thấy, nhiều sáng tác đỉnh cao về VHNT 50 năm này đã khẳng định sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo được sự hưởng ứng, đồng tâm của mọi người Việt Nam yêu nước, mà văn nghệ sĩ là người “thư ký thời đại” đã viết lại biên niên sử của cuộc kháng chiến giữ nước và bảo vệ đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng XHCN tại miền Bắc qua những tác phẩm đỉnh cao về nghệ thuật.

34 năm hòa bình thống nhất đất nước, những bài hát như “Người là niềm tin tất thắng”, “Tình Bác sáng đời ta”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “ Bước chân trên dãy Trường Sơn”, “Đường chúng ta đi”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Lá đỏ”, “Em ở nơi đâu”… và hàng ngàn tác phẩm VHNT về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Sơn vẫn là những mẫu mực và ngân vang, sống mãi với thời gian.

Nhìn lại, hình tượng Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn để lại những bài học, kinh nghiệm cho công tác tổ chức, quản lý và hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ. Trong tình hình cách mạng mới, hiện thực đang có những nhu cầu và yêu cầu mới đặt ra cho VHNT.

Hiện nay văn nghệ sĩ hoạt động sáng tác có nhiều cơ hội hơn. Một thế hệ trẻ, học thức, đã xuất hiện và đang định hình, với nhiều tài năng mới, kết hợp với thế hệ trải qua chiến tranh, tạo nên một gạch nối của quá trình phát triển VHNT Việt Nam rất đáng trân trọng. Chúng ta có quyền mong mỏi sẽ có những sáng tác xứng tầm với lịch sử hào hùng của dân tộc. Người nghệ sĩ trong nhiệm vụ mới vẫn ca vang “ta đi trong ánh lửa từ trái tim mình”.

Vũ Ân Thy

Tin cùng chuyên mục