Tác động của TPP và AEC: Việt Nam không nên quá tự mãn

Sáng 3-8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đối với nền kinh tế Việt Nam. Hội thảo do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Tác động của TPP và AEC: Việt Nam không nên quá tự mãn

(SGGPO).- Sáng 3-8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đối với nền kinh tế Việt Nam. Hội thảo do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.  

“Các nghiên cứu đều cho thấy Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi lớn nhất về kinh tế trong số 12 nước tham gia TPP; trong khi những nghiên cứu tương tự về AEC cho thấy tác động của AEC đối với nền kinh tế Việt Nam là rất thấp”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết. Tuy nhiên, ông Thành cảnh báo: nguồn vốn lớn ồ ạt đổ vào Việt Nam đi kèm với chính sách quản lý tiền tệ thiếu kinh nghiệm; sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, các ảnh hưởng kéo dài của khủng hoảng kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại... là những yếu tố khiến Việt Nam không nên quá tự mãn với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đầy hứa hẹn như TPP, hay ở mức độ thấp hơn như AEC. Mặt khác, tác động của hội nhập cũng sẽ khác nhau ở các ngành khác nhau. Các ngành có lợi thế so sánh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi những ngành kém lợi thế sẽ chịu thua thiệt ở nhiều mức độ khác nhau. 

Dệt may được xem là ngành sẽ mang lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu Việt Nam khi tham gia vào TPP. Ảnh: MỸ HẠNH

Đi vào phân tích cụ thể, TS Nguyễn Đức Thành nhận định, trong hầu hết các kịch bản tác động của TPP, Việt Nam là quốc gia có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo phần trăm. Mức tăng trưởng có được nhờ tự do hóa thương mại chủ yếu đến từ thay đổi trong chi tiêu và đầu tư lớn hơn mức tăng nhập khẩu sau khi thuế quan được cắt giảm. Cùng với đó, Việt Nam cũng là nước đạt được mức tăng phúc lợi kinh tế lớn nhất tính theo phần trăm thay đổi. Về đầu tư, mức tăng đầu tư của Việt Nam là ấn tượng nhất trong các nước, xấp xỉ mức tăng của Nhật và gần gấp đôi mức tăng của Úc, Malaysia và Mỹ (tính theo giá trị).

Đáng lưu ý, về cấu trúc của nền kinh tế, Việt Nam sẽ chứng kiến sự thu hẹp của các ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm (như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp).

Trong khi đó, nền kinh tế sẽ có sự mở rộng cả về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế và những ngành ít thương mại (đặc biệt là dệt, may, da giày, dịch vụ công và xây dựng). Đồng thời, sẽ có sự dịch chuyển rõ rệt về các nguồn lực sản xuất từ các ngành thu hẹp sang các ngành mở rộng. Trong các kịch bản đánh giá tác động sau khi TPP có hiệu lực, kết quả mô phỏng cho thấy thương mại của Việt Nam với các nước TPP tăng lên. Trong khi đó, đối với các nước ngoài TPP, Việt Nam có xu hướng tăng cường nhập khẩu và xuất khẩu giảm nhẹ. Xuất khẩu hàng dệt may và da giày của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong khi tổng xuất khẩu lại giảm nhẹ.

Tại hội thảo, nhiều khuyến nghị chính sách đã được các nhà nghiên cứu đưa ra, đề xuất Chính phủ cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các ngành có lợi thế, tạo lợi thế mới và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của các ngành chịu tác động và giảm bớt thiệt hại cho những bên bị thua thiệt trong quá trình tự do hóa thương mại, giúp họ chuyển đổi ngành nghề dễ dàng hơn.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục