Tái cơ cấu ngành lúa gạo - Tăng thu nhập cho nông dân

Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá thấp, hàm lượng chất xám ít, lợi tức nông dân thấp nên vẫn nghèo… Tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tính cạnh tranh cao và bền vững là yêu cầu bức bách hiện nay. Vấn đề này được sự quan tâm đặc biệt của Ngân hàng Thế giới (WB) và WB đang triển khai dự án giúp tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL.
Tái cơ cấu ngành lúa gạo - Tăng thu nhập cho nông dân

Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá thấp, hàm lượng chất xám ít, lợi tức nông dân thấp nên vẫn nghèo… Tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tính cạnh tranh cao và bền vững là yêu cầu bức bách hiện nay. Vấn đề này được sự quan tâm đặc biệt của Ngân hàng Thế giới (WB) và WB đang triển khai dự án giúp tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL.

        Không ít thách thức

Tại buổi làm việc mới đây giữa đại diện WB tại Việt Nam với Bộ NN-PTNT, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL cùng các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã nhận diện rõ những khó khăn, thách thức hiện nay. Đó là việc thiếu liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo. Đặc trưng sản xuất mùa vụ, tạo ra một khối lượng lúa, gạo hàng hóa lớn vào một thời điểm nào đó nhưng khả năng điều hòa dự trữ chưa đáp ứng. Xuất khẩu chủ yếu cạnh tranh về giá, chưa chú ý đến chất lượng sản phẩm; thu nhập của người nông dân ở mức thấp, dù sản xuất ngày càng tăng…

Ông Steven Jaffee (điều phối viên của WB) nêu thách thức phải sớm được khắc phục của ngành lúa gạo là sản xuất manh mún, có quá nhiều khâu trong chuỗi giá trị; mỗi khâu có chi phí đầu vào rất cao, dù hiện có nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: CAO MINH

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: CAO MINH

Đáng chú ý, ông Cao Thăng Bình (WB) đặt vấn đề: “Nên chăng cần bỏ hẳn vụ lúa hè thu tại ĐBSCL?”. Vấn đề này lâu nay đã từng được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và cả doanh nghiệp quan tâm, khuyến cáo nên giảm diện tích, thậm chỉ bỏ hẳn vụ hè thu, để tập trung chủ yếu cho vụ đông xuân và thu đông, nhưng chưa ngã ngũ.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp phản ánh, bỏ hay giảm diện tích trồng lúa vào vụ hè thu đã được khuyến cáo nhiều lần. Nhưng khổ nỗi là nông dân làm gì, thay thế bằng loại cây gì, tiêu thụ ở đâu? Cụ thể, tại Đồng Tháp, diện tích đất trồng lúa khoảng 500.000 ha/năm nhưng thu nhập bình quân của nông dân rất thấp, vụ đông xuân chỉ 10 triệu đồng/ha; hè thu 2,4 triệu đồng và 6,3 triệu đồng/ha đối với vụ thu đông. Tuy thế, bỏ vụ hè thu, nông dân chẳng biết làm gì…

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường là yếu tố quyết định cho sản xuất, tuy nhiên, giá nông sản thế giới không ổn định và xu hướng chung là giảm, trong khi nông sản của ta giá thành còn cao, chất lượng còn hạn chế lại chưa có thương hiệu riêng. Vì thế, vấn đề đặt ra không chỉ là coi trọng sản xuất, để giảm chi phí trung gian, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn là vấn đề tiêu thụ, tức là phải giải quyết đồng bộ các nội dung có liên quan đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tư vấn, tiếp thị quảng cáo, xây dựng thương hiệu…

        Chú trọng lợi ích của nông dân

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh, thời gian qua, khi đánh giá sản xuất ngành lúa gạo, hầu như chỉ được xét ở khía cạnh bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Trong khi giải pháp giải quyết vấn đề thu nhập của nông dân hầu như ít được nói đến, dù đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa gạo của ĐBSCL. Ông Quỳnh đề xuất: “Khi tái cơ cấu ngành lúa gạo, nhất thiết WB phải chú ý đến thu nhập nông dân”.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo xác định tính ưu việt của mô hình cánh đồng mẫu lớn. Giám đốc Công ty TNHH Trung An, ông Phạm Thái Bình nói: “Mô hình này là tốt nhất cho giai đoạn hiện nay, và tất yếu trong tương lai; đem lại lợi ít rất lớn cho nông dân và doanh nghiệp. Thực tế chúng tôi bán gạo với giá cao hơn các doanh nghiệp khác; đặc biệt gạo thơm có giá luôn cao hơn 50-60 USD/tấn và đơn đặt hàng sang năm 2014. Làm trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân tăng thêm thu nhập 20 triệu đồng/ha so với bên ngoài”.

Tuy nhiên, ông Chris Jackson (điều phối viên Ban NN-PTNT của WB) đặt vấn đề: “Mô hình có hiệu quả sao không mở rộng?”. Ông Phạm Thái Bình cho rằng: “Doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực. Chính phủ chưa quan tâm nhiều, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn vay từ ngân hàng”. Ông Bình dẫn chứng doanh nghiệp của ông phải “tự bơi” trong các khâu đầu tư kho chứa, hệ thống sấy, xay xát… Mỗi năm doanh nghiệp của ông xuất khẩu trung bình 150.000 tấn gạo (tương đương 300.000 tấn lúa). Với năng suất 8 tấn lúa/ha; tính ra doanh nghiệp phải đầu tư gần 20.000ha/vụ (mỗi năm 2 vụ); 1ha phải đầu tư 40 triệu đồng. Hiện tại, vì thiếu vốn nên doanh nghiệp của ông Bình chỉ mới đầu tư 3.000ha vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. “Nếu công ty tôi mở rộng lên 20.000 ha thì có ngân hàng nào cho vay 40 triệu USD (tương đương 800 tỷ đồng) để đầu tư không?”, ông Bình nêu vấn đề.

Sản xuất theo mô hình liên kết nông dân và doanh nghiệp đang được khuyến khích thực hiện ở ĐBSCL.

Sản xuất theo mô hình liên kết nông dân và doanh nghiệp đang được khuyến khích thực hiện ở ĐBSCL.

Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, tái cơ cấu phải chú trọng đến đầu ra sản phẩm. Đặc biệt là đối với sản phẩm sản xuất trên nền tảng bền vững về môi trường và xã hội bởi thực tế có nhiều dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững nhưng gặp khó về đầu ra như: mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global Gap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) của nông dân HTX Mỹ Thành Nam (Tiền Giang). Ông Lưu Hồng Mẫn, Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng: Không có giống tốt sẽ không thể cho hạt gạo có thương hiệu để xuất khẩu được. Do vậy, trong quá trình tái cơ cấu phải liên kết các địa phương và hỗ trợ cho việc chọn tạo, nhân giống”.

Theo GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu sản xuất lúa gạo nói riêng là trên cơ sở đã có trong thực tế mùa vụ, giống lúa, hệ thống canh tác lúa chuyên canh, đa dạng hóa sản xuất trên ruộng lúa, vùng lúa, bao gồm cả ngành nghề. Tái cơ cấu sản xuất kinh doanh lúa gạo hướng vào lợi ích của nông dân còn có tác dụng như là “sức đẩy” người nông dân tích cực canh tác lúa. Trong ngành hàng lúa gạo, thì nông dân hiển nhiên là “gốc của ngành hàng, gốc của chuỗi giá trị gia tăng”: Gốc không bền thì ngành hàng khó đứng vững được.

"Hiện nay, chúng ta cần mô hình nông thôn kiểu mới, cấu trúc hạ tầng hiện đại, có thị trường. Phải có nông dân kiểu mới được đào tạo bài bản về tay nghề, kỹ năng kiến thức đủ để tham gia hoạt động kinh tế cạnh tranh. Cần tổ chức liên kết nông dân với nông dân; doanh nghiệp - nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng mới chấm dứt tình trạng sản xuất không tiêu thụ được. Mô hình tối ưu nhất là thành lập công ty cổ phần nông nghiệp có sự tham gia của nông dân - những người trực tiếp sản xuất"

GS-TS Võ Tòng Xuân

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục