Tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM - Bài 2: Hình thành trung tâm giao dịch hoa kiểng, cá cảnh

Do điều kiện khí hậu phù hợp, đáp ứng 2 điều được xem là tối kỵ trong sản xuất hoa, đó là không có sương muối và ít bão lũ nên TPHCM được xác định là trung tâm sản xuất hoa kiểng nhiệt đới. Bên cạnh đó, TPHCM còn có lợi thế rất lớn về nuôi cá cảnh. Ngoài việc đáp ứng thị trường tiêu thụ, thành phố còn là điểm trung chuyển hoa kiểng, cá cảnh đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM - Bài 2: Hình thành trung tâm giao dịch hoa kiểng, cá cảnh

Do điều kiện khí hậu phù hợp, đáp ứng 2 điều được xem là tối kỵ trong sản xuất hoa, đó là không có sương muối và ít bão lũ nên TPHCM được xác định là trung tâm sản xuất hoa kiểng nhiệt đới. Bên cạnh đó, TPHCM còn có lợi thế rất lớn về nuôi cá cảnh. Ngoài việc đáp ứng thị trường tiêu thụ, thành phố còn là điểm trung chuyển hoa kiểng, cá cảnh đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Buôn bán tự phát…

Với điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, không khó để giải thích vì sao diện tích trồng hoa kiểng tăng nhanh. Năm 2014 có 2.130ha trồng hoa trong khi năm 2005 chỉ có 848ha. Lượng hoa kiểng được trồng ngày càng tăng lên, giúp giảm dần lượng hoa lan cắt cành nhập khẩu từ Thái lan và lãnh thổ Đài Loan. Những năm 2000, mỗi năm có khoảng 4 triệu cành lan cắt cành nhập về TP, sau đó, giảm xuống còn khoảng 20.000 cành/tuần. Nay TP đã xuất khẩu lan cắt cành sang Campuchia.

Được xác định là huyện nông nghiệp trọng điểm, giờ đây Củ Chi trở thành huyện chủ lực về phát triển rau, hoa tập trung, kể cả cá cảnh. Tại đây cũng đã xuất hiện những trang trại hoa từ 2 - 4ha ở các xã Tân Thông Hội, An Nhơn Tây hay trang trại cá cảnh Sài Gòn Aquarium ở xã Tân Thông Hội… Nông nghiệp đô thị đã thành phong trào làm ăn mới, lan sang các tỉnh Đông Nam bộ; đã xuất hiện nhiều nơi trồng lan, trong đó có trang trại lan của người TP đến đầu tư rộng 5ha ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Vì vậy, lượng hoa lan cung cấp cho TP và các nơi ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong khi rau an toàn, sữa tươi từ đàn bò, tôm sú… đều có nơi tiêu thụ ổn định từ thị trường nội địa thì việc tiêu thụ lan cắt cành ở TP, khi lượng hàng hóa ngày càng tăng lên bắt đầu gặp vấn đề. Do đó, việc xúc tiến thương mại cho loại sản phẩm này được ngành nông nghiệp TP quan tâm cùng với việc chuyển đổi sản xuất. Bởi điều quan trọng của chuyển đổi là đầu ra.

Ngay từ năm 2010, tại hội thảo xây dựng hệ thống thương mại và dịch vụ sinh vật cảnh, nhiều đại biểu cùng nhận định, nông nghiệp đô thị TPHCM như hoa, cây kiểng, cá cảnh… hiện đang phát triển khá mạnh, đúng hướng. Dù TP hiện có trên 270 điểm kinh doanh cá cảnh, trên 1.000 điểm kinh doanh hoa kiểng và còn có xu hưởng mở rộng thêm, nhưng thương mại sinh vật cảnh đều còn tự phát, nhỏ lẻ, tạm bợ.

Chưa có trung tâm mua bán chuyên ngành sinh vật cảnh, làm cản trở không nhỏ việc cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng, cho các cơ sở sản xuất ở ngoại thành và các tỉnh. Vì vậy, Hội Sinh vật cảnh TPHCM kiến nghị cần phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ sinh vật cảnh đủ lớn, nhằm đảm bảo cung ứng thuận tiện nhu cầu mua sắm của cư dân TP và khu vực. Bước đầu có thể hình thành 3 trung tâm mua bán sinh vật cảnh, khoảng 2ha/trung tâm, tại các hướng thích hợp và xây dựng hệ thống bán lẻ ở các quận, huyện, nhất là nơi đông dân cư.

Vườn lan ông Nguyễn Văn Xuân, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Hình thành trung tâm giao dịch

Song song với việc chuyển đổi, TP cũng đã tính đến việc hình thành trung tâm triển lãm và giao dịch các sản phẩm nông nghiệp đô thị, cụ thể là hoa kiểng và cá cảnh. Đồng thời quy hoạch điểm giao dịch và triển lãm nông sản tại Củ Chi. Nhưng đó là chuyện lâu dài, trong bối cảnh hiện nay cần hình thành trung tâm giao dịch hoa kiểng và cá cảnh gần với khu vực nội thành.

TP đã giao Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) của Hà Lan, cùng Tập đoàn FloraHolland, chuyên tổ chức các sàn giao dịch hoa ở Hà Lan hỗ trợ việc xúc tiến hình thành sàn giao dịch hoa kiểng và cá cảnh TP tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) trên khuôn viên 8 - 10ha, nơi đây cũng đã hình thành và trở thành một trong ít đầu mối tiêu thụ hoa vùng ngoại thành TP và từ các nơi về như TP Đà Lạt.

Tuần qua, tại buổi tiếp đoàn công tác của Bộ Kinh tế Hà Lan và Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh đến tầm quan trọng việc Hà Lan hỗ trợ TP xây dựng Trung tâm giao dịch hoa kiểng, cá cảnh. Đoàn đã làm khá nhiều việc, từ tìm hiểu thông tin, khả năng cung ứng (chủ yếu từ TP hoa Đà Lạt), nhu cầu thị trường đến mạng lưới phân phối hiện nay để bước đầu định hình trung tâm. Việc hoàn thành báo cáo tiền khả thi là nền tảng căn bản để triển khai các bước tiếp theo. TPHCM giao SATRA cùng phối hợp để xúc tiến. Theo đó, SATRA sẽ là đầu mối cung cấp dịch vụ và hậu cần để có thể thu hút nhà vườn và người tiêu dùng đến với trung tâm, tạo điều kiện để sản phẩm được bán đúng với giá trị.

Những viên gạch đầu tiên

Sự chuyển đổi thành công nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị ở TPHCM không dừng lại ở việc tổ chức sản xuất, bởi xét cho cùng, động lực nằm ở phân khúc thị trường tiêu thụ, bao gồm thu mua, lưu trữ, vận chuyển, tiếp thị... Chính phân khúc này là đầu kéo, giúp cho việc chuyển đổi hiệu quả và bền vững.

Không chỉ là thị trường lớn về tiêu thụ hoa các loại, TPHCM còn là đầu mối tập trung, sơ chế để trung chuyển hoa kiểng, cá cảnh đến các tỉnh, thành khác trong cả nước. Các đầu mối buôn bán với nước ngoài cũng tập trung chủ yếu tại TPHCM. Như vậy, TP còn là nơi hình thành hệ thống dịch vụ cung ứng, tạo động lực phát triển và tiêu thụ hoa kiểng cả nước. Thế nhưng, lĩnh vực hạ tầng, dịch vụ hậu cần cho ngành hoa kiểng, cá cảnh của TP còn rất hạn chế, dẫn đến giảm giá trị sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng và thất thoát sau thu hoạch khá lớn.

Vì vậy, cần có nơi tập trung để người kinh doanh hoa kiểng hay cá cảnh, nhà vườn các nơi có thể tụ họp lại với mục tiêu là hàng hóa bán ra đúng với giá trị và phù hợp nhất có thể. Đồng thời giúp cho người tiêu dùng có thể tiếp cận với chất lượng hoa tốt nhất thông qua dịch vụ hậu cần như vận chuyển xe mát, có kho lạnh dự trữ ngay tại sàn giao dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, trung tâm này sẽ chia làm 2 giai đoạn, đầu tiên là giao dịch trực tiếp, sau đó tiến dần đến giao dịch hiện đại qua sàn, thanh toán qua tài khoản…

Đại diện phía Hà Lan, ông Simon Van Der Burg, cho biết không thể bê nguyên mẫu mô hình sàn giao dịch hoa của Hà Lan qua Việt Nam mà phải biết chọn lọc và sáng tạo để có mô hình riêng, đặc thù của Việt Nam. Hơn nữa, ông cũng nhấn mạnh, không thể trông chờ vào sự thay đổi ngay hay kỳ vọng quá nhiều vào mô hình mới, đó chỉ là những viên gạch đầu tiên. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, Hà Lan có kinh nghiệm 20 - 30 năm hoạt động để có được sàn giao dịch hoa lớn nhất thế giới như ngày hôm nay, vì vậy, không thể ngày một, ngày hai có thể thay đổi căn bản mà chúng ta hy vọng học hỏi để rút ngắn thời gian xuống.

Thực tế cho thấy, các bước đi không hề dễ dàng, nhưng nếu có giải pháp phù hợp sẽ thu hút nhà vườn, người kinh doanh sỉ, lẻ đến với trung tâm. Điều cần phân biệt, trung tâm chỉ là cầu nối, là nơi để nhà vườn, nhà kinh doanh đến với nhau cùng giao dịch, trung tâm chỉ đóng vai trò cung cấp dịch vụ hậu cần như địa điểm, kho bãi dự trữ lạnh, kể cả cung cấp nguồn vốn…

CÔNG PHIÊN

>> Bài 1: Rút ngắn khoảng cách nông thôn - đô thị

Tin cùng chuyên mục