Ngày 5-11, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Sóc Trăng 2014 đã chính thức khai mạc với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó, hội thảo chính là “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” đã thu hút gần 700 đại biểu tham dự và chia sẻ nhiều vấn đề mang tính bức thiết trong vùng.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới - một trong những mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp. Ảnh: CAO PHONG
Phát triển thị trường bằng kích tăng nhu cầu!
“Nông dân trồng gì, chặt bỏ gì tùy ý họ. Nông dân và cả doanh nghiệp không biết thị trường nằm ở đâu. Trong xuất khẩu gạo, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng bao tiêu với nông dân! Kênh thu mua gần như để thương lái làm, chuyện ép giá là khó tránh khỏi. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho điệp khúc được mùa rớt giá cứ tái diễn ở ĐBSCL”, GS-TS Võ Tòng Xuân đã chỉ ra điểm “nghẹn” của nông sản ĐBSCL.
Trong những ngày qua, nông dân Hậu Giang và Sóc Trăng liên tục lo lắng khi giá mía cứ giảm liên tục. Hiện chỉ còn dao động ở mức 750 đồng/kg. Với mức giá này nhiều nông dân cho biết sẽ thua lỗ. Đây là năm thứ 3 liên tục giá mía ở mức thấp nhưng không cách nào để kích giá thu mua mía nguyên liệu lên.
Nguyên nhân đường tồn kho tăng mạnh, do sức ép từ đường lậu. Từ đó, các nhà máy đường phải ép giá mía nguyên liệu xuống thấp để tránh bị thua lỗ nặng. Trong vài năm tới, nhiều người rất lo lắng về số phận của các nhà máy đường trong vùng, nhất là khi nông dân cảm thấy chán nản với việc trồng cây mía. Đây là một điển hình cụ thể trong sản xuất nông nghiệp hiện nay thiếu công cụ bảo vệ cho nông dân.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng hiện nay các chuyên gia, nhà khoa học nói nhiều về yếu tố kỹ thuật trong sản xuất nuôi trồng. Song rất ít nói về thị trường, xúc tiến thương mại.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Chủ tịch VCCI Cần Thơ. chỉ ra: Khó khăn lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Phát triển thị trường bao gồm phần đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện tại và làm tăng nhu cầu tiềm năng đối với sản phẩm nông nghiệp. Sự gia tăng nhu cầu là yếu tố quan trọng cho phát triển nông nghiệp. Nhiều ý kiến tán đồng cho rằng, cần thay đổi quan niệm phát triển thị trường bằng cách gia tăng nguồn cung liên tục như hiện nay mà nên hướng sang phát triển thị trường bằng cách làm gia tăng nhu cầu. Nhu cầu ngoài nước và nhu cầu trong nước.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, quan điểm thúc đẩy sản xuất, gia tăng sản lượng bất chấp nhu cầu, bất chấp thị trường tất yếu dẫn đến tình trạng dư thừa, phải thường xuyên hạ giá bán. Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, sản xuất nông sản phải dựa trên nhu cầu thị trường, phải bao gồm yếu tố số lượng, chất lượng và chủng loại. Nghĩa là sản phẩm phải đa dạng và phải đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng. Về điểm này, nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL trong thời gian qua rất kém.
Tái cơ cấu bắt đầu từ thay đổi tư duy!
“Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp trước tiên phải thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm… Cụ thể là phải chuyển từ số lượng sang nâng cao giá trị, đặc biệt là giá trị gia tăng” - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh. Lâu nay, sản phẩm nông nghiệp chỉ hướng đến xuất khẩu (xuất khẩu thô) nhưng không chú ý đến phát triển thị trường trong nước, để hàng nhập khẩu tràn vào thay thế. Khía cạnh này có vấn đề của chính sách, quá thiên về khuyến khích xuất khẩu, ít chú ý vấn đề đầu tư cho sản xuất ở cấp quy mô nhỏ cho thị trường trong nước.
Làm tăng cầu ở thị trường nước ngoài và ngay với thị trường trong nước phải là làm cho người tiêu dùng được thuyết phục để họ tiêu dùng thêm và để tăng thêm số người tiêu dùng. Hình ảnh, thương hiệu, công tác quảng bá là hết sức quan trọng nhưng phải đi đôi với chất lượng, từ khâu nuôi đến chế biến và trách nhiệm sau khi bán hàng. Đây phải là công việc chính của nhà sản xuất, các hiệp hội ngành hàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với các sản phẩm xuất khẩu thì thị trường nước ngoài là tiêu điểm hướng đến, phải có chiến lược lâu dài gia tăng doanh thu. Với những mặt hàng kim ngạch đạt đến mức trên 1 tỷ USD thì mức gia tăng không thể dựa vào số lượng và may rủi của thời tiết, mà cần đa dạng chủng loại và có thêm nhiều phân khúc sản phẩm.
“Điều quan trọng không phải là số lượng nông sản chúng ta đứng nhất thế giới, mà cái chính là nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân. Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp phải bắt đầu từ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp áp dụng giống mới, tiếp cận nhiều hơn quy trình sản xuất, cơ giới hóa, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định.
Nông dân trồng lúa thơm đang được lợi nhuận cao.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đặt hàng các viện, trường chọn tạo các giống lúa có giá trị xuất khẩu trên 600 USD/tấn gạo chứ không chỉ dao động ở ngưỡng 400 USD/tấn như hiện nay. Thực tế, Sóc Trăng là một trong những địa phương đã làm được điều này. Các giống lúa thơm mang tên ST của Sóc Trăng hiện nay đạt giá trị xuất khẩu từ 600 - 700 USD/tấn gạo. Rất nhiều doanh nghiệp trong vùng đã và đang đầu tư vào nhiều vùng nguyên liệu tại Sóc Trăng để tạo lập thương hiệu và có thị trường tiêu thụ gạo thơm ổn định ở một số nước. Có lẽ đây là điểm sáng của cây lúa Sóc Trăng và chắc rằng, và là hấp lực để các nhà đầu tư tìm hiểu tại diễn đàn hợp tác kinh tế lần này.
CAO PHONG