Thừa Thiên - Huế
Nạn đào xới săn bắt trùn biển (còn có tên gọi khác là: địa sâm, địa long, sá sùng) bán cho Trung Quốc gây ảnh hưởng đến tài nguyên, đa dạng sinh học, môi trường nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển lại xuất hiện tại Thừa Thiên - Huế.
Các ngư dân sống gần khu vực cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc) cho hay, sáng nào họ cũng thấy nhiều nhóm, mỗi nhóm 2 - 3 người từ tỉnh khác đến, trên tay cầm thuổng và các vật dụng khác đi dọc bờ biển săn bắt trùn biển. Họ đi dọc trên những vũng bùn ven biển, tìm hang trùn qua một vài lỗ nhỏ có ụ trên mặt bùn, nếu nhìn thấy vòi nhỏ con trùn thò ra thì lập tức dùng thuổng đào rất nhanh để bắt ngay. Sau khi đoàn người săn bắt trùn di chuyển đến vị trí khác, trên vùng bãi bồi ven biển xuất hiện dày đặc những hố sâu từ 0,2 - 0,4m. Ông Thanh - một người trong đoàn đào trùn biển quê ở Quảng Nam cho biết, thường đi đào bắt trùn biển tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Trước khi đến khu vực cửa biển Tư Hiền khoảng 2 tuần lễ, cả nhóm đã đào xới tại vùng ven biển Quảng Trị. Mỗi ngày nếu làm việc thuận lợi một người có thể bắt được 10kg trùn tươi, mang về xẻ ruột, làm sạch rồi phơi khô để bán cho các thương lái Trung Quốc. Cứ khoảng 10kg trùn tươi sau khi phơi khô sẽ còn khoảng 1kg, bán được 450.000 - 500.000 đồng, lúc cao điểm lên tới 800.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Thanh, do thương lái Trung Quốc mua trùn biển với giá cao nên có nhiều người đi bắt loại hải sản này. Hiện các vùng ven biển ở Nam Trung bộ dần cạn kiệt trùn biển, nên mọi người buộc phải chuyển ra vùng ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ tìm kiếm.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn tỉnh có 2 loại trùn biển: loại nhỏ có tên khoa học Sipunculus nudus Linnaeus, dài khoảng 10cm, nặng 10 - 12g, thân tròn như ống, màu hồng nhạt, phần giữa thân có 30 sợi cơ dọc bao quanh, rất linh hoạt; loại to gọi là sá sùng chuối, tên khoa học Sipunculus sp, cũng họ sâu đất Sipunculidae, nặng tới 120g. Đây là những loài giun có lợi cho môi trường sinh thái. Hiện Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chờ ý kiến chỉ đạo từ phía Bộ NN-PTNT, bởi việc quản lý khai thác trùn biển đang gặp mâu thuẫn giữa 2 văn bản quy phạm pháp luật. Bộ NN-PTNT thì cho phép khai thác trùn biển từ 10cm trở lên, còn quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại không cho phép người dân ngoại tỉnh vào tùy tiện khai thác nguồn lợi thủy sản trong vùng đầm phá thuộc tỉnh.
VĂN THẮNG - HUY CƯỜNG