Tại Hội nghị tổng kết 3 năm xây dựng thí điểm 11 xã nông thôn mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Nhân rộng mô hình các xã điểm

Ngày 13-1, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới đã dành trọn ngày để tổng kết 3 năm triển khai mô hình thí điểm tại 11 xã điểm nông thôn mới trong cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới Trung ương, chủ trì hội nghị.

Ngày 13-1, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới đã dành trọn ngày để tổng kết 3 năm triển khai mô hình thí điểm tại 11 xã điểm nông thôn mới trong cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới Trung ương, chủ trì hội nghị.

  • Niềm tin vào mô hình điểm

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới Trung ương, chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới đã được triển khai tại 11 xã điểm, gồm: Thanh Chăn (Điện Biên), Hải Đường (Nam Định), Tân Thịnh (Bắc Giang), Gia Phố (Hà Tĩnh), Tam Phước (Quảng Nam), Tân Hội (Lâm Đồng), Tân Lập (Bình Phước), Mỹ Long Nam (Trà Vinh), Định Hòa (Kiên Giang), Thụy Hương (Hà Nội) và Tân Thông Hội (TPHCM).

Sau 3 năm triển khai thí điểm, đến nay tất cả 11 xã đã hoàn thành hàng loạt chỉ tiêu đề ra như quy hoạch nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sự chuyển biến rõ nét về các mặt văn hóa xã hội, môi trường nông thôn cũng như xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh...

Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 80% đường giao thông tuyến thôn, xã (khoảng 270km) được làm mới, nâng cấp. Hơn 60% đường ngõ xóm và 30% đường trục nội đồng ở các xã điểm đã được cứng hóa, đảm bảo thuận tiện cho xe cơ giới. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng là 1.078 tỷ đồng (chiếm 43% tổng kinh phí cho chương trình nông thôn mới).

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đến nay hầu như các xã đều đang tìm cách xây dựng các mô hình và giải pháp nhằm phát huy lợi thế kinh tế của địa phương mình thông qua chọn cây trồng, vật nuôi và ngành nghề phù hợp để phát triển theo hướng đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ hiện đại để chuyển sang sản xuất hàng hóa.

Đặc biệt, nhiều xã còn thu hút được doanh nghiệp đầu tư ngay trên địa bàn, tạo nhiều việc làm cho bà con, tổ chức liên kết với các đơn vị khoa học, cơ sở chế biến để lo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người dân có lợi nhuận.

Qua thực tế đã lộ ra nhiều mô hình, cách làm hay. Nếu ở xã Mỹ Long Nam (Trà Vinh) khai thác lợi thế nuôi trồng thủy sản của mình, vận động người dân nuôi tôm, nghêu đạt giá trị hơn 2 tỷ đồng/ha thì ở xã Tân Hội (Lâm Đồng) lại đẩy mạnh trồng và tiêu thụ hoa, rau, cà phê... Còn xã Tân Thịnh (Bắc Giang) liên kết với Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam để giúp bà con trồng và sơ chế lá thuốc lá xuất khẩu, xã Gia Phố (Hà Tĩnh) hỗ trợ 1.000 hộ dân cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng bưởi đặc sản Phúc Trạch, xã Thụy Hương (Hà Nội) và Tân Thông Hội (TPHCM) thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trồng rau sạch để xây dựng mô hình “nông nghiệp đô thị”, cung cấp rau xanh, hoa tươi cho khu vực nội thành...

Điều đáng mừng là từ thói quen sản xuất tự túc tự phát, hiện nhiều xã đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa như rau xanh, hoa lan, bò sữa ở Tân Thông Hội, dưa hấu ở xã Tam Phước, cây thuốc lá và cà chua ở Tân Thịnh, cà phê ở Tân Hội...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cũng cho biết, khi xã Tân Thông Hội (Củ Chi) triển khai xây dựng nông thôn mới, cho đến nay đã có tới 1.287 hộ nông dân hiến đất làm đường với gần 34.000m² và công trình vật kiến trúc với tổng trị giá trên 60 tỷ đồng.

Cũng từ khi có mô hình nông thôn mới, Tân Thông Hội đã thu hút thêm được hơn 100 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nâng tổng số lên 159 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như chế biến cà phê, đồ gỗ, trồng rau sạch... Hiện nay, xã Tân Thông Hội đang dần thay da đổi thịt từng ngày, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa Tân Thông Hội với nội thành, càng tạo niềm tin cho người dân vào chủ trương đúng đắn về xây dựng nông thôn mới.

  • Nhân ra diện rộng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao những thành công của chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới tại 11 xã trong cả nước, coi đây là một động lực lớn để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thực hiện tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chúng ta làm thí điểm mô hình để rút ra những kinh nghiệm, đề ra chính sách hợp lý và từ những thành công bước đầu tại các xã điểm để có cơ sở nhân mô hình ra diện rộng.

Chủ tịch nước cũng cho biết, những kết quả tại hội nghị sẽ sớm trình Ban Bí thư để Ban Bí thư có kết luận đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới và có những chỉ đạo tiếp theo. Trên tinh thần đó, sẽ phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm này ra quy mô toàn quốc.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch nước, trước mắt các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cần tiếp tục chỉ đạo để hoàn chỉnh mô hình nông thôn mới ở các xã điểm. Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần phải tiếp tục đầu tư, củng cố để những mô hình và tiêu chí đã đạt được thực sự mang lại hiệu quả, đảm bảo được tính bền vững, tạo điều kiện cho các địa phương khác có thể tới tham khảo học tập kinh nghiệm.

Từ kết quả của mô hình thí điểm, đề nghị các bộ, ngành trung ương hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với đặc điểm các vùng, địa phương. Cần sớm hoàn chỉnh cơ chế chính sách và hướng dẫn các địa phương cách làm, đồng thời giúp Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thực hiện thắng lợi các nội dung tiêu chí trên diện rộng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sau 3 năm triển khai mô hình thí điểm, ngân sách nhà nước đã rót cho 11 xã 300 tỷ đồng, tính bình quân mỗi xã được 27,2 tỷ đồng. Trong đó, 2 xã Tân Thông Hội và Thụy Hương mỗi xã được 10 tỷ đồng, xã Hải Đường 20 tỷ đồng, các xã còn lại là 30 tỷ đồng, riêng xã Thanh Chăn (Điện Biên) 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành công lớn của phong trào xây dựng nông thôn mới là các xã đã không ỷ lại vào tiền ngân sách mà tổ chức huy động, thu hút từ nhiều nguồn, với tổng vốn huy động được là 2.523 tỷ đồng, chưa kể công sức đóng góp và phần đất hiến tặng của người dân ở các xã. “Sự nhiệt tình vào cuộc của người dân thông qua phong trào hiến đất làm đường, xây dựng trường học, nhà văn hóa... để xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm đã chứng tỏ thành công to lớn của mô hình” - ông Phát nói.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục