Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM PHẠM KHÁNH PHONG LAN:
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh và có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là điều hết sức cần thiết đối với các sơ sở chế biến và kinh doanh.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có thói quen sử dụng thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe trong mùa nắng nóng. Để đảm bảo sức khỏe và phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra, người dân cần chọn thực phẩm an toàn, nấu chín kỹ thức ăn, ăn ngay sau khi nấu, bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín.
Ngoài ra, cần lưu ý, thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng phải được đun kỹ lại; không để chung thức ăn chín với thức ăn sống; rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn; giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; che đậy thực phẩm để tránh côn trùng, động vật khác và sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm, tổ chức và cá nhân cần ngay lập tức sơ cấp cứu người bị ngộ độc bằng các biện pháp gây nôn để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể.
Biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Tiến hành gây nôn cho người bệnh còn tỉnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh.
Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở. Cho người bệnh uống nhiều nước, nghỉ ngơi và gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, giữ và bảo quản lạnh thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm để gửi mẫu kiểm nghiệm tìm nguyên nhân và báo ngay cơ quan chức năng.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.