
Để giảm thương vong cho người dân, một trong những giải pháp đang được Chính phủ cân nhắc áp dụng trong thời gian tới là quy định bắt buộc người ngồi lên xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm (NBH). Tuy nhiên, đâu là thời điểm áp dụng và cần có những biện pháp mạnh nào để quy định này đi vào cuộc sống?
- Không chỉ có đường bắt buộc

Cảnh sát giao thông xử lý người đi đường không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Đ.V.D.
Theo phân tích của Ủy ban ATGT quốc gia, thời gian qua số người tử vong hoặc bị thương tật suốt đời do chấn thương sọ não trong các vụ tai nạn giao thông mô tô, xe máy do không đội NBH đã chiếm đến 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Để giảm tỉ lệ này, tháng 8-2004, một lần nữa Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo thực hiện chủ trương đội NBH trên những đoạn đường bắt buộc. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong năm 2005, hầu hết các địa phương đã mở rộng phạm vi bắt buộc đội NBH. Có nhiều địa phương đã bắt buộc người tham gia giao thông phải đội NBH trên mọi tuyến đường.
Theo ông Bùi Huynh Long - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, tính đến nay đã có 5 tỉnh: Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bắc Giang và Tuyên Quang quy định bắt buộc đội NBH khi đi mô tô, xe máy trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, Yên Bái là tỉnh thực hiện tốt nhất, số người đội NBH đạt trên 90%. Ông Nguyễn Võ Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, có được kết quả trên là nhờ sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên giữ vai trò đặc biệt.
Tỉnh Yên Bái đã có quy định nếu cán bộ, đảng viên nào không chấp hành việc đội MBH, lực lượng CSGT sẽ thông báo về cơ quan chủ quản. Trên cơ sở mức độ vi phạm, sẽ bị trừ thưởng đối với cán bộ đang công tác, hạ bậc thi đua đối với đảng viên về hưu đang sinh hoạt tại cơ sở.
Ngoài ra, chủ tịch tỉnh Yên Bái còn yêu cầu lãnh đạo các cơ quan ban ngành tuyệt đối không được can thiệp vào công tác xử lý vi phạm của CSGT, nếu phát hiện sẽ bị xử lý kỷ luật. Còn ông Dương Quốc Xuân - Chủ tịch UBND tỉnh Long An, khi tham gia góp ý kiến về giải pháp thực hiện chủ trương “lên xe máy là phải đội NBH” đã khẳng định, nếu năm 2006 Chính phủ ra quyết định bắt buộc người dân ngồi trên xe máy phải đội NBH là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao giải pháp bắt buộc người điều khiển xe máy phải đội NBH. Theo ông Nguyễn Văn Đua - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố phấn đấu đến giữa năm 2006 hoặc đầu năm 2007 sẽ áp dụng chế tài mạnh, người ngồi lên xe gắn máy là phải đội NBH.
- Cần điều chỉnh để thực hiện hiệu quả
Sau một thời gian thực hiện bắt buộc người dân đội NBH, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) chấn thương sọ não đã giảm rõ. Tháng 11-2005, TNGT tiếp tục giảm cả 3 mặt: số vụ, số người chết, số người bị thương đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số thương vong vì TNGT trong 11 tháng qua thì vẫn còn lớn: 10.418 người chết, 11.041 người bị thương.
Vì vậy để đảm bảo tính mạng cho người dân, việc bắt buộc đội NBH trên tất cả mọi tuyến đường là việc cần phải thực hiện. Ông Dương Quốc Xuân cho rằng, qua thực tế gần 5 năm ban hành và thực hiện biện pháp này cho thấy, nếu cứ loại trừ các tuyến đường nội thị và nông thôn thì hiệu quả sẽ rất thấp. Bởi lẽ TNGT liên quan đến xe máy đâu chỉ xảy ra trên các tuyến quốc lộ.
Theo ông, bên cạnh việc bắt buộc đội NBH trên tất cả các tuyến đường, vấn đề cần nghiên cứu điều chỉnh là mức phạt lỗi vi phạm. Thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương mức phạt cho vi phạm này quá thấp, chỉ 15.000 - 20.000 đồng/lần vi phạm, là không đủ sức răn đe. Ông Xuân nói: “Nếu không muốn bổ sung hình phạt giữ xe thì cần phải tăng mức phạt lên từ 5 - 6 lần so với quy định hiện hành, chí ít cũng phải bằng tiền mua một chiếc nón NBH thì mới có hiệu quả tốt hơn…”.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, những kinh nghiệm của các địa phương đi đầu trong việc áp dụng quy định bắt buộc đội NBH khi đi mô tô, xe máy sẽ được tuyên truyền rộng rãi để các địa phương khác tham khảo. Nghị định 15 về xử phạt vi phạm về ATGT cũng đang được sửa đổi theo hướng nâng mức phạt hành vi vi phạm quy định bắt buộc đội NBH khi đi xe máy.
Gần đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng về công tác bảo đảm trật tự ATGT. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên trì thực hiện bắt buộc đội NBH khi đi mô tô, xe máy; lấy kinh nghiệm ở tỉnh Yên Bái nhân rộng ra toàn quốc. Chủ trương đã có, nhiều tỉnh đi trước làm rất tốt, vậy đến khi nào tất cả các tỉnh thành trong cả nước mới thực hiện chủ trương “ngồi lên xe gắn máy là phải đội nón bảo hiểm”?
NGUYÊN QUÂN