Cách đây 23 năm, ở Quảng Trị có một người lính Trường Sơn trở về quê hương đã tình nguyện xin ra vùng đảo hoang giữa lòng hồ thủy lợi La Ngà (huyện Vĩnh Linh) để canh giữ, bảo vệ hệ sinh thái nơi rừng đảo. Người lính đó là ông Nguyễn Văn Bảy (77 tuổi), dân làng thường gọi thân mật “ông Bảy canh đảo”.
Giữ rừng giữa đảo hoang
“Ông Bảy canh đảo” sinh ra ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Khi còn học cấp 3 (hệ 10/10), ông đã gác lại cặp sách tình nguyện đi bộ đội, đóng quân tại giới tuyến Hiền Lương. Đến cuối năm 1966, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập, ông Bảy được chuyển sang Cục Hậu cần - Quân khu 4, làm trợ lý tài vụ cho đơn vị X47 đóng quân giữa rừng Ba Rền (Quảng Bình). Sau ngày đất nước thống nhất, ông về làm Trưởng ban Văn hóa xã Tân Lâm (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) một thời gian rồi về Tạp chí Cửa Việt trước khi nghỉ hưu tại thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh).
Ở nhà chưa bao lâu, ông Bảy viết đơn xin ra vùng đảo giữa lòng hồ La Ngà để khoanh nuôi gà. Ông Bảy nói: “Thời đó đam mê mới ra đây thôi vì thấy địa thế đảo quá đẹp, với lại nếu phục hồi và giữ được rừng xanh thì có thể làm nơi du lịch lý tưởng. Hồi đó có ai thèm khát ra vùng “khỉ ho cò gáy” này chứ”.
Một vùng đảo “chết” đã được ông Bảy tái sinh lại bằng rừng tràm và các loài gỗ quý
Như lời ông Bảy, trước đây vùng đảo này trải qua 2 đợt cháy lớn vào năm 1994 và 2005. Ông Bảy cho hay: “Trước kia, mỗi khi đến mùa nắng là cây rừng trên đảo bị người dân đốt cháy để đào lấy bom đạn, phế liệu. Đến năm 2005, khi có chính sách chuyển mục đích sử dụng chuyển rừng nghèo sang rừng sản xuất, 600ha rừng đầu nguồn La Ngà đã được khai thác để chuyển đổi mục đích”.
Lúc ấy, vùng đảo do ông Bảy canh giữ cũng bị cháy lan sang một số đảo gần bờ. Sau đó ông Bảy mua keo tràm giống về trồng xen với một số cây lấy gỗ khác. Ít năm sau, cây con lớn lên tỏa bóng xanh che khuất những mảng màu loang lổ của đám cháy năm xưa. Rừng cây cứ thế “ôm ấp” 6 hòn đảo “ngọc”, dung dưỡng cho con nước muôn đời giữa lòng hồ.
Tâm hồn của đảo
Vùng đảo do ông Bảy canh giữ gồm 6 ốc đảo, đặt tên thứ tự từ 1 đến 6; mỗi đảo có diện tích trên dưới 5ha. Rừng đảo xanh um, xỏa bóng ra mặt hồ như 6 cái nấm xanh. Ở đảo 1 trước kia có một nhà cách mạng tên Cửu Huề ra đây hoạt động rất lâu, nên dân làng hay gọi đảo Cửu Huề. Nay đảo 1 đã được ông Bảy tái sinh bằng một rừng cây ăn quả với những gốc vải đỏ trên 20 năm tuổi. Đến mùa, vải chín đỏ rực ốc đảo với những trái to, tròn có vị thanh và ngọt. Ông Bảy khoe: “Năm 2015, vườn vải của tôi đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Quảng Trị chứng nhận là sản phẩm sạch, để cung ứng cho các siêu thị lớn trên địa bàn. Cũng mừng lắm, hiện tôi đã trồng được trên 5ha hoa quả, chủ yếu là vải thiều và hồng. Mỗi năm thu hoạch 10,6 tấn vải, lợi nhuận trên 100 triệu đồng”.
Ngoài trồng cây, ông Bảy còn say mê viết kịch, lấy bút danh Tùng Thiện. Sau khi đất nước thống nhất, ông Bảy được đi học lớp đạo diễn tại Hà Nội. Đến nay, ông đã viết trên 200 vở kịch, đa số đều tái hiện hình ảnh về cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, về nhân cách con người hay các bà mẹ Việt Nam, chiến sĩ, đồng đội; những người có tầm ảnh hưởng lớn đối cách mạng nước nhà... Trong đó, nhiều tác phẩm kịch của ông được tặng thưởng huân, huy chương. Ông Bảy tâm niệm: “Vùng đảo xanh mát này chính là “thiên đường” để tôi hoàn thành những ước mộng trong quãng đời viết kịch của mình”.
Ông Bảy chếch mũi đò vào hướng đảo số 1, lọt thỏm vào ốc đảo rậm rì. Tôi cùng ông Bảy đi thẳng vào khu rừng nguyên sinh. Ông Bảy nói nhỏ: “Ngày trước ở đây nhiều thú lắm, nhưng nay hết rồi bởi phường săn từ đất liền ra săn trộm. Vợ chồng tôi già, lại đơn độc nên không cản được, chỉ dặn họ đừng chặt phá cây rừng thôi”. Rời đảo 1, chúng tôi quay về căn chòi nhỏ của vợ chồng ông Bảy ở đảo 3. Trời trở lạnh, gió lớn nơi thủy ngàn bắt đầu nổi cơn, quật mạnh trên mặt hồ tạo những đợt sóng xô mạn đò chếnh choáng. Ông Bảy thở dài: “Ngày mai các chú mau vào bờ kẻo không khí lạnh đến là không về được. Ở đây mỗi lần trời trở động, mặt hồ sóng dữ lắm, đò máy không thể ra vào được”.
Phẩm chất của người lính gọn gàng, không phung phí vẫn còn nguyên vẹn trong ông Bảy. Ông kiên nhẫn, tỉ mỉ luồn người qua những bụi gai dại đang cấu xé da thịt mình. Dường như không bao giờ ông đụng một nhát dao vào rừng cây. Ngần ấy thời gian ở 6 ốc đảo, người lính đã bảo vệ và tái sinh trên 25ha rừng, trong đó có 5,1 ha rừng nguyên sinh ngày càng trù mật giữa lòng hồ thủy lợi La Ngà.
NGỌC OAI