Ngày 22-5, một vụ tấn công liều chết tiếp tục xảy ra tại một trụ sở cảnh sát ở tỉnh Khost, Afghanistan, làm 3 cảnh sát thiệt mạng. Đây là vụ tấn công của Taliban, lực lượng được cho là đang đẩy mạnh “Cuộc tấn công mùa xuân” bao gồm các vụ đánh bom liều chết, tấn công nhằm vào quân đội nước ngoài để trả thù cho trùm khủng bố Bin Laden ở cả Pakistan và Afghanistan.
Liên tục trả thù
Vụ tấn công chỉ diễn ra chưa đầy một ngày sau khi Taliban tổ chức vụ tấn công tự sát bằng bom tại một bệnh viện quân y ở thủ đô Afghanistan làm 6 sinh viên y khoa chết, 23 người bị thương. Đây là vụ tấn công táo tợn, nhằm vào khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt tại thủ đô, nơi có nhiều sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Vào ngày 19-5, một vụ tấn công đẫm máu khác xảy ra tại công ty xây dựng đường Galaxy Sky ở tỉnh Paktia, miền Đông Afghanistan giáp với Pakistan. Các tay súng của Taliban đã xông vào trụ sở công ty, bắt cóc và giết chết 35 người, làm 20 người bị thương. Hành động bạo lực đẫm máu này xảy ra ngay sau khi NATO tuyên bố khoảng 1.740 phiến quân Taliban đã hạ vũ khí trong gần một năm qua để tham gia một chương trình tái hòa nhập do chính phủ Afghanistan khởi xướng.
Trong khi đó, tại Pakistan, Taliban cũng đã tổ chức nhiều vụ tấn công nhằm vào Mỹ và lực lượng NATO. Ngày 20-5, Taliban đã tấn công xe của lãnh sự quán Mỹ tại TP Peshawar, Pakistan khiến 2 người chết và 10 người bị thương trong đó có 2 công dân Mỹ. Đây là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào người Mỹ xảy ra tại Pakistan kể từ khi quân đội Mỹ bắn chết Bin Laden.
Vào ngày 21-5, Taliban tiếp tục thực hiện một vụ tấn công nhằm vào xe tải chở nhiên liệu cho lực lượng NATO tại Afghanistan xảy ra ở gần cửa khẩu biên giới Torkham, vùng Khyber, Tây Bắc Pakistan, làm 13 người thiệt mạng.
Hãng AFP dẫn lời một thành viên của Taliban ở Pakistan cho biết lực lượng này sẽ tiếp tục thực hiện nhiều vụ tấn công khác để trả thù cho Bin Laden.
Mỹ âm thầm đàm phán
Sau cái chết của Bin Laden, làn sóng chống Mỹ đang lan rộng tại Pakistan và nhiều quốc gia Hồi giáo, vô hình chung tạo một rào cản cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trên hai mặt trận quan trọng là Pakistan và Afghanistan. Tuy đã khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh bên Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, cung cấp các khoản viện trợ nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ xoa dịu sự tức giận của chính phủ và dư luận Pakistan về sự xâm nhập bất hợp pháp trong vụ đột kích Bin Laden, làm ngành tình báo Kabul phải mất mặt trước cộng đồng thế giới với những hoài nghi “chứa chấp Bin Laden”. Bằng chứng rõ nét nhất là chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ Marc Grossman đã không thu được các kết quả như mong đợi. Chính quyền tỉnh Punjab, tỉnh có vai trò chính trị quan trọng nhất Pakistan, đã quyết định về nguyên tắc việc ngừng thực thi 4 thỏa thuận viện trợ của Mỹ nhằm phản đối việc máy bay không người lái của Mỹ tiếp tục tấn công Pakistan.
Theo tờ Washington Post, Mỹ đang tăng cường các cuộc đàm phán với Taliban trong thời gian gần đây. Báo trên dẫn lời một quan chức Afghanistan cho biết, một đại diện của Mỹ đã tham dự ít nhất ba cuộc gặp ở Qatar và Đức, trong đó có một cuộc gặp với một nhân vật cấp cao của Taliban được xem là thân cận với thủ lĩnh Mullah Mohammad Omar. Washington hy vọng đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán này trước tháng 7, thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, đợt rút quân đầu tiên khỏi Afghanistan trong tiến trình chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho các lực lượng Afghanistan trước năm 2014.
Kết quả các cuộc đàm phán không được tiết lộ song dư luận cho rằng giữa hai bên khó đạt được thỏa thuận. Cho dù thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammad Omar chịu đàm phán thì vẫn còn một thách thức không nhỏ là làm sao thuyết phục tất cả các phái của Taliban chịu ngồi vào bàn đàm phán do Taliban chỉ là một tên gọi tập hợp nhiều nhóm vũ trang khác nhau.
Mặt khác, khi giải quyết vấn đề ở Afghanistan, lâu nay tuy giao cho Tổng thống Hamid Karzai thủ vai chính nhưng Mỹ vẫn luôn phụ thuộc vào sự phối hợp hỗ trợ của Pakistan mới thành công.
Thanh Hằng