Sáng 21-1, tại cuộc họp xử lý khắc phục hậu quả sự cố cháy tàu cánh ngầm Vina Express tại khu vực phao số 66 sông Sài Gòn (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM), hơn 90 người thoát chết, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo vì sự an toàn cho người dân tiến hành tạm đình chỉ ngay hoạt động của tất cả phương tiện tàu cánh ngầm tuyến cố định TPHCM - Vũng Tàu để tiến hành kiểm tra phương tiện.
Làm rõ trách nhiệm cơ quan kiểm định
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng chỉ đạo Công an TP lập tổ điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ cháy tàu này, trong đó làm rõ vì sao sự cố không được cấp báo kịp thời cho các đơn vị cứu hộ. Trước khẳng định của cơ quan chức năng tàu cánh ngầm Vina Express 01 số đăng ký SG 3837 của Công ty CP Tàu cao tốc Vina vừa được kiểm định mấy ngày nhưng đã xảy ra sự cố, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đề nghị Bộ GTVT cần làm rõ chất lượng kiểm định, trách nhiệm của cơ quan kiểm định này để quy trách nhiệm cụ thể. Từ vụ việc này, lãnh đạo thành phố chỉ đạo kiểm tra lại tất cả các cơ sở kiểm định trên địa bàn thành phố để rà soát, chấn chỉnh. Nếu quá trình kiểm định vẫn để xảy ra những sự cố tương tự cơ quan kiểm định đó phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo trong thời gian tạm đình chỉ hoạt động tất cả phương tiện tàu cánh ngầm tuyến cố định TPHCM - Vũng Tàu để kiểm tra niên hạn sử dụng thì Sở GTVT phải triển khai phương án tăng cường phương tiện giao thông đường bộ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tuyến TPHCM - Vũng Tàu. Sở Cảnh sát PCCC lên phương án tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy trên sông. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, tình hình trật tự đường sông, đường biển hết sức phức tạp, trong khi đó công tác tổ chức ứng cứu còn lúng túng.
Báo cáo với lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang nhận định: “Các tàu cánh ngầm của 3 doanh nghiệp đang khai thác tuyến TPHCM - Vùng Tàu mặc dù hồ sơ pháp lý đầy đủ nhưng tình trạng lại quá tệ. Sở GTVT đã nhiều lần kiến nghị với Bộ GTVT quy định niên hạn tàu cánh ngầm trên 10 năm thì không cho hoạt động. Tuy nhiên, đến nay việc ban hành quy định về niên hạn tàu vẫn chưa có. Tàu vừa bốc cháy đã có niên hạn sử dụng 20 năm”.
Chỉ hoạt động trở lại khi đủ điều kiện an toàn
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Lê Hoàng Quân, chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã ký thông báo khẩn gởi Sở GTVT TP chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa TP tạm thời không cấp phép rời cảng, bến đối với các tàu cao tốc cánh ngầm tuyến cố định TPHCM - Vũng Tàu kể từ ngày 22-1 để phục vụ công tác kiểm tra, rà soát các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo quy định. Qua đó, Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đặc biệt là các điều kiện về phòng chống cháy nổ của các tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM - Vũng Tàu. Đồng thời, xem xét xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) và đề xuất các giải pháp bổ sung nhằm đảm bảo an toàn trước khi cho tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động trở lại. Văn bản chỉ đạo nhấn mạnh: “Chỉ được cấp phép hoạt động trở lại đối với các tàu cánh ngầm khi đáp ứng đầy đủ điều kiện về an toàn và thực hiện các yêu cầu của đoàn kiểm tra”.
UBND TP đã giao Công an TP chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng bảo vệ hiện trường và tiến hành điều tra tai nạn, theo đó phải phối hợp với cơ quan quản lý luồng tuyến là Cảng vụ Hàng hải TPHCM và cơ quan đăng kiểm phương tiện là Chi cục Đăng kiểm số 6 - nơi đăng kiểm tàu cánh ngầm trên. Ngoài ra, Công ty CP Tàu cao tốc Vina phải chịu toàn bộ kinh phí để khắc phục hậu quả tai nạn, chăm lo và sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho hành khách. Đồng thời bố trí phương tiện để đưa những hành khách có nhu cầu đi Vũng Tàu ngay trong ngày. Để thực hiện công tác bồi thường, Sở GTVT yêu cầu chủ tàu phải liên hệ với hành khách để giải quyết bồi thường thiệt hại liên quan đến vụ tai nạn. Trường hợp hành khách có yêu cầu bồi thường đề nghị liên hệ với Công ty CP Tàu cao tốc Vina tại số 91 đường Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4, TPHCM (liên hệ với cô Nga - Kế toán trưởng của công ty; số điện thoại: 0972620333).
Khen thưởng “nóng” 2 chủ ghe tham gia cứu hộ Chiều 21-1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã trao quyết định khen thưởng của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tặng 2 cá nhân đã có thành tích xuất sắc cứu nhiều người (hơn 50 người) bị nạn trong vụ cháy tàu cánh ngầm Vina Express. Hai cá nhân này là 2 chủ ghe và đồng thời là hai cha con: ông Ngô Văn Hồng (SN 1960) và anh Ngô Huỳnh Long (SN 1988). Cả hai đều tạm trú tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, sinh sống bằng nghề buôn bán trên sông Sài Gòn. Mỗi cá nhân nhận số tiền thưởng 10 triệu đồng. Theo ông Ngô Văn Hồng, trong lúc gia đình ông đang đổi nước thì thấy lực lượng công an ra hiệu có tai nạn nên ông và con trai tức thời nhảy xuống ghe cứu người, đưa người bị nạn lên ghe để chở vào bờ. |
VÂN ANH
*****
Sẽ có quy định về niên hạn tàu
Hàng loạt sự cố xảy ra đối với tàu cánh ngầm chở khách trên sông mà mới đây nhất là vụ cháy tàu Vina Express ngày 20-1 vừa qua đã khiến dư luận hết sức lo ngại về độ an toàn của loại phương tiện này. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) để làm rõ những vấn đề kiểm định an toàn đối với phương tiện tàu cánh ngầm.
* Phóng viên: Thưa ông, có khá nhiều sự cố xảy ra đối với tàu cánh ngầm chở khách trong thời gian gần đây, Bộ GTVT, Cục ĐKVN đã quan tâm đến vấn đề này như thế nào?
* Ông ĐỖ TRUNG HỌC: Thống kê của Vụ Vận tải - Bộ GTVT cho thấy, cả nước hiện có 14 địa phương có tàu cao tốc gồm: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh... với tổng số phương tiện 224 tàu. Riêng trên tuyến đường thủy TPHCM - Vũng Tàu có 3 hãng tham gia vận chuyển hành khách với 17 tàu cánh ngầm, trung bình mỗi ngày có xấp xỉ 20 lượt xuất bến. Sau vụ tai nạn tàu tại Cần Giờ hồi cuối năm 2013, Bộ GTVT đã chỉ đạo tổng kiểm tra tàu cao tốc chở khách trên toàn quốc và ban hành hàng loạt giải pháp chấn chỉnh hoạt động tàu cánh ngầm. Trong đó, yêu cầu Cục Hàng hải, Cục Đường thủy nội địa chỉ đạo các cảng vụ tăng cường kiểm tra tại các đầu bến. Đến tháng 10-2013, toàn bộ các tàu cánh ngầm chở khách đã được lắp hệ thống tự động nhận dạng để các cơ quan quản lý có thể giám sát hành trình, tăng cường khả năng cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn.
* Thực tế công tác đăng kiểm phương tiện này trong thời gian qua đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
* Hiện các loại tàu cao tốc, tàu cánh ngầm phải hoạt động tuân theo Luật Đường thủy nội địa và các quy định hiện hành về việc đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu chở khách trên sông. Việc kiểm tra lần đầu được thực hiện khi phương tiện được đóng mới, được nhập khẩu xin đăng ký hành chính. Sau đó, việc kiểm tra định kỳ hàng năm được thực hiện khi tàu vào bảo dưỡng để tổng kiểm tra trạng thái kỹ thuật phương tiện. Ngoài ra tàu còn được kiểm tra bất thường theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tùy theo tuổi tàu, tình trạng kỹ thuật của tàu mà cơ quan đăng kiểm quy định về thời hạn đăng kiểm của tàu, có thể 3 tháng, 6 tháng và lâu nhất không quá 1 năm. Trong thời gian qua, có thể nói chủ phương tiện các tàu cao tốc, tàu cánh ngầm chở khách đã thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng kiểm.
* Được biết hiện nay vẫn chưa có quy định về niên hạn tàu, vì sao việc quy định niên hạn tàu lại chậm như vậy?
* Theo khảo sát của Bộ GTVT, hiện tuổi bình quân của tàu cao tốc là 13,5 năm, trong đó có nhiều tàu có tuổi thọ trên 15 năm. Tàu càng cũ thì đương nhiên là độ an toàn sẽ kém dần đi. Trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, việc đầu tư phương tiện mới là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, vì vậy để đảm bảo an toàn thì các cơ quan quản lý trong đó có Cục ĐKVN càng phải tăng cường quản lý loại phương tiện này, nhất là đối với phương tiện có tuổi thọ cao, ví dụ từ 10 - 15 năm trở lên. Đặc biệt, sắp tới sẽ có quy định cụ thể về niên hạn tàu. Trong dự thảo nghị định về niên hạn tàu cao tốc vận tải hành khách do Cục ĐKVN đã trình Bộ GTVT để trình lên Chính phủ, tuổi thọ được đề xuất với tàu cao tốc là 18 năm và tàu cánh ngầm là 20 năm.
Tàu Vina Express đã được kiểm tra về PCCC Chiều 21-1, Cục ĐKVN đã báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT về tình trạng phương tiện tàu Vina Express, số đăng kiểm V50-00387 bị tai nạn cháy ngày 20-1 tại sông Sài Gòn. Thông tin từ Cục ĐKVN cho biết, tàu Vina Express là loại tàu cánh ngầm được sản xuất năm 1994, xuất xứ Liên bang Nga, công suất 132 hành khách. Năm 2013 tàu đã được Sở PCCC TPHCM kiểm tra 2 lần về phòng cháy, chữa cháy. Theo báo cáo của chủ tàu, khi phát hiện cháy, thuyền trưởng chỉ huy chữa cháy, do buồng máy hẹp, nhiều khói phát ra, để an toàn cho hành khách, thuyền trưởng cho tàu chạy vào bãi cạn ven sông, tập trung chỉ huy thuyền viên trên tàu giúp hành khách rời tàu. Sau đó đám cháy lan ra toàn tàu. Khi các phương tiện chữa cháy từ bên ngoài tới tham gia dập được lửa thì phần trên boong đã bị cháy toàn bộ. Hậu quả tai nạn là toàn bộ buồng máy, cabin trên tàu bị cháy, chỉ còn lại phần vỏ từ boong trở xuống. |
BÍCH QUYÊN (thực hiện)
>> Cháy tàu cánh ngầm, hơn 90 người thoát chết