Tâm huyết và đam mê phát triển rau sạch

Đang cùng gia đình sống tại TPHCM và theo ngành y, chị Nguyễn Thị Huệ quyết định lên Đà Lạt trồng rau, vì tâm huyết và niềm đam mê phát triển rau sạch Việt Nam.
Nông trại rau sạch của chị Huệ hướng đến nền nông nghiệp rau sạch công nghệ cao
Nông trại rau sạch của chị Huệ hướng đến nền nông nghiệp rau sạch công nghệ cao


Bỏ phố lên rừng

Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khá xa, nông trại Kim Bằng nằm lọt thỏm giữa hàng ngàn hécta rau trồng trong khu tổ hợp rau xanh Phước Thành. Theo bảng chỉ dẫn nhỏ xíu ngoài đường lớn, chúng tôi đi lên con dốc cao phía trước, nơi có bảng hiệu “Nông trại truyền thống”, với mô hình quy hoạch nhà kính công nghệ cao. Đang tần ngần chiêm ngưỡng quang cảnh nông trại, tiếng lạch cạch của máy cày làm chúng tôi giật mình. Người phụ nữ trung niên đứng ở đầu xe, chân đi ủng cao đến cận đầu gối, đội chiếc nón rộng vành chào chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Đó là chị Huệ trong dáng vẻ một nông dân dễ mến. 

Vì muốn đến bất ngờ để có những trải nghiệm tự nhiên nhất ở nông trại nên chúng tôi không hẹn trước. Vậy mà cuộc trò chuyện vẫn thân tình. Khi hộc tốc leo lên tít những nhà kính trên đồi, lúc lội bộ ngược xuống kho, chị liên tục phải trả lời điện thoại, bận bịu với đơn hàng và các cuộc gọi từ đối tác. 

Khi 34 tuổi, chị Nguyễn Thị Huệ bắt đầu những bước đi đầu tiên cho dự án rau sạch của mình ở tổ dân phố Phước Thành (phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Tuy nhiên, do không phải “con nhà nông” lại chưa từng học về nông nghiệp nên chị vấp phải không ít khó khăn. Chị kể, ngày bé, chị không thích ăn xà lách, khi lấy chồng, chị mới làm quen với cách chế biến rau trộn hấp dẫn, rồi thành ra ghiền. Một lần, hai vợ chồng trò chuyện với nhau về các loại rau trên bàn tiệc và về nhu cầu rau sạch, chồng chị chợt nghĩ đến việc trồng rau sạch cung cấp cho gia đình. Rồi điều đó trở thành tâm huyết, đam mê của chị và chị đã dấn thân vào một “cuộc chơi lớn”. Không lâu sau đó, chị từ bỏ ngành y, lên Đà Lạt làm nhà nông. Lúc này, khoảng cách địa lý không còn là trở ngại, khi tầm nhìn về con đường phía trước còn xa hơn - với ước muốn phát triển rau sạch Việt Nam.

Đòn bẩy của sự nghiệp

Chị mày mò trồng các giống rau nước ngoài cung cấp nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Những mẻ rau đầu tiên không đạt yêu cầu, chị gom hết lại để tìm ra nguyên nhân, đọc thêm sách nông nghiệp của nước ngoài, rồi lại gieo mầm giống mới. Được sự hỗ trợ của chồng, chị có điều kiện đi nhiều quốc gia, học hỏi kỹ thuật, công nghệ trồng rau mới nhất. Trở về nước, chị áp dụng ngay với những luống rau trong vườn. Nhận thấy chất lượng hạt giống ở nước ngoài khá tốt, chị nhập trực tiếp về gieo trồng, cho năng suất và chất lượng hơn hẳn. Rồi thương hiệu “Veggys Specialty Foods” ra đời, cung cấp rau chủ yếu cho các du thuyền, nhà hàng, khách sạn, được khách hàng đón nhận và có những phản hồi tích cực. 

Không vội vàng, đốt cháy giai đoạn, chị làm theo quy trình và tỉ mẩn đến từng công đoạn, quyết giữ vững tiêu chí “xanh - sạch”. Năm 2011, chị là người đầu tiên ở Đà Lạt áp dụng kỹ thuật trồng rau thủy canh mới nhất trên thế giới. Thật chẳng dễ dàng với việc táo bạo này, bởi chi phí đầu tư rất lớn, trong khi kinh nghiệm còn non trẻ. Thật may, chỉ sau một lần thất bại ban đầu (chi phí lỗ ước tính trên 100 triệu đồng), rồi chị cũng đã thành công. Mô hình có ưu điểm tiết kiệm nước, tránh được hiện tượng thoái hóa đất (hiện tượng thường gặp ở địa hình Đà Lạt). Phần lớn diện tích rau thủy canh trồng các giống rau xà lách, với thiết kế chuyên nghiệp, tiện dụng, là tổ hợp đủ đầy của 4 tiêu chuẩn thiết yếu nhất trong trồng trọt “nước, phân, cần, giống”, hướng đến nền nông nghiệp rau sạch công nghệ cao. Ngoài khu trồng rau thủy canh, chị vẫn duy trì khu trồng rau truyền thống với các loại rau, củ baby như cà rốt, dền, cà chua, dưa leo…

Mỗi ngày chị đều ra vườn làm cùng anh chị em nhân công của mình. Những luống rau xanh luôn giữ chị nán lại thật lâu để vun xới, cắt tỉa miệt mài. Chị chia sẻ nguyên do trồng cây hoài không biết chán: “Làm việc với thực vật, tôi chưa bao giờ xem chúng là vật vô tri vô giác, bởi tôi có cách tương tác rất riêng. Cây cỏ không biết nói thì mình trò chuyện với nó”. 

Hơn 20 năm qua, chị liên tục di chuyển giữa Sài Gòn và Đà Lạt để vừa bên gia đình vừa đi trồng rau. Thật không dễ dàng để một người phụ nữ có được thành quả như ngày hôm nay mà vẫn dung hòa được sự nghiệp và gia đình.

Tin cùng chuyên mục