Tấm lòng yêu nước của người Nam bộ

Tấm lòng yêu nước của người Nam bộ

Cuốn sách Đất và người Nam bộ được Nhà xuất bản Trẻ lấy theo tên một bài viết trong di cảo của Giáo sư Ca Văn Thỉnh. Cái tên ấy khá đầy đủ bao hàm các nghiên cứu công phu, thận trọng, khoa học, đầy tính phát hiện, thể hiện tài hoa và bầu nhiệt huyết của một nhà nghiên cứu luôn quan tâm đến con người và vùng đất mình đã sinh ra và trưởng thành.

1. Trong số 10 bài khảo cứu đăng trong tập sách này, tất thảy đều viết về con người và vùng đất Nam bộ, ngay cả bài nghiên cứu đầu tiên của GS Ca Văn Thỉnh là Đền Đế Thiên đối với tiền nhân ta đăng trên Đại Việt tạp chí số 2 năm 1942. Bài nghiên cứu tưởng như không liên quan gì đến Nam bộ, vì như ông viết là nhằm xem “từ thế kỷ 17, tiền nhân chúng ta giao thiệp với người Cao Miên có biết Đế Thiên Đế Thích và có biên chép vào sách vở nào không?”

Để nghiên cứu về lịch sử Nam bộ, GS Ca Văn Thỉnh không đi vào con đường phê bình các bộ sử cũ theo hệ thống mà chọn lọc một số sự kiện, nhân vật tiêu biểu ở Nam bộ nhằm chứng minh rằng Nam bộ là đất có lịch sử lâu đời, do người Việt khai phá tạo dựng nên bằng con đường hòa bình. Trên cơ sở ấy, ông liên tiếp công bố hai bài nghiên cứu về Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829): Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế (Đại Việt tạp chí, số 28, tháng 12 năm 1943) và Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại (Đại Việt tạp chí, số 29, tháng 12 năm 1943). Để hoàn thành bài viết, ông đã thực hiện công việc này một cách công phu, khoa học. Đầu tiên ông lên Thoại sơn (Núi Sập), vào chợ gọi là Thoại Sơn thị để tìm dấu vết tấm bia nói về tiểu sử, công nghiệp của Thoại Ngọc Hầu. Sau đó, ông quay về Long Xuyên viếng mộ, đọc bia Vĩnh Tế sơn ký và Vĩnh Tế sơn lộ kiều lương lý, dịch cho mọi người hiểu được vì sao núi Sam được đặt là Vĩnh Tế Sơn, sơn thôn là Vĩnh Tế thôn và kinh Châu Đốc Hà Tiên là Vĩnh Tế hà, biết tên vợ cả của Nguyễn Văn Thoại là Châu Thị Tế.

Tiếp đến, ông về tận làng Thái Bình - quê của bà Châu Thị Tế, thăm mộ họ Châu và họ Nguyễn, tìm đến nhà ông Nguyễn Khắc Ngọ - cháu năm đời của Thoại Ngọc Hầu, xin chép gia phả, xin xem sắc phong, hỏi thăm con cháu. Bước tiếp theo, ông lục tìm trong sách sử cổ để xác minh, bổ cứu thêm các thông tin, trước khi đặt bút viết bài nghiên cứu. Bài nghiên cứu của ông vừa có tính khoa học cao, đồng thời cũng rất cảm xúc, khi ông cảm khái: “Chúng ta tức khắc thán phục tài phóng kinh của tiền nhân ta: có đoạn kinh thẳng băng trong khoảng núi rừng hiểm trở, nhứt là khi chúng ta nhớ lại thời bấy giờ tổ tiên ta chưa biết tới máy nhắm mà hiện nay các ông kỹ sư thường dùng... Chúng ta càng thán phục thêm công phu khó nhọc đào kinh sửa đất núi. Nhiều khoảng gặp phải đá gồ ghề chận ngang đường kinh đã phóng, thế mà tiền nhân ta cố công đào cũng được, nhất là phải dùng những khí cụ hết sức đơn sơ của người xưa”. 

Chính vì sự công phu như vậy, bài viết của ông được độc giả đánh giá cao và được các nhà nghiên cứu về lịch sử Nam bộ về sau tin tưởng dẫn chứng, đồng thời gợi mở cho các thế hệ tiếp theo không chỉ thấy được công lao của tiền nhân, mà còn phả vào đó tấm lòng yêu nước của người Nam bộ. 

2. Bên cạnh mối quan tâm về lịch sử Nam bộ, GS Ca Văn Thỉnh cũng rất chú ý đến văn học Nam bộ. Ông đã chứng minh và khẳng định Nam bộ chẳng những có lịch sử, danh nhân, mà còn có một nền văn học quy mô, có tổ chức hẳn hoi, có những văn nhân lớn tiêu biểu cho tinh thần “ngay thảo” và “hào khí Đồng Nai” của Nam bộ.

Ông rất quan tâm đến dòng văn học yêu nước ở Nam bộ, như bài viết “Lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu - tác giả Lục Vân Tiên”. Đối với cụ Nguyễn Đình Chiểu, GS Ca Văn Thỉnh dành sự kính trọng và yêu mến đặc biệt cho tác giả Lục Vân Tiên. Ông xem cụ Đồ là bậc “kỳ sĩ” của đất Nam kỳ, đặc biệt ca tụng “khí tiết”, “lòng đạo” của nhà thơ. Trong bài viết, GS nhấn mạnh rằng các tác phẩm Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngũ Kinh, Gia Huấn cùng các bài thi văn khác của cụ Đồ đều là “sách để chữa bệnh tinh thần”, rằng sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu là “một sự nghiệp tinh thần trường cửu”. Từ sau năm 1945, khi GS Ca Văn Thỉnh đi theo cách mạng, ông lại càng đề cao văn chương đức độ của cụ Đồ Chiểu qua các bài viết, công trình biên khảo của mình như: Thơ văn yêu nước Nam bộ cuối thế kỷ 19 (1962), Truyền thống quật cường của Nam bộ và Việt Nam với tinh thần đấu tranh của Nguyễn Đình Chiểu (1972), Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu (1976), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (1982).

Yêu mến văn học Nam bộ, nhất là văn học yêu nước, Ca Văn Thỉnh đã dành rất nhiều công sức, tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu nhiều tác giả tác phẩm của nhiều nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị… Đó cũng là cách làm cho mọi người thấy rõ hơn “Hào khí Đồng Nai” trong văn chương Nam bộ.

VŨ VĂN NGỌC

NXB Trẻ vừa chính thức giới thiệu ra mắt bạn đọc cả nước tác phẩm Đất và người Nam bộ của học giả, GS Ca Văn Thỉnh. Tác phẩm bao gồm 14 bài viết, dịch, sưu tầm về đề tài Nam bộ xưa, trong số đó có 9 bài viết đã được đăng trên tạp chí trước năm 1945. Trong đó, bài khảo cứu được dùng làm tên của cuốn sách dù chỉ có 35 trang nhưng đã khái quát đầy đủ đất đai và lịch sử hình thành của vùng đất Nam bộ. GS Ca Văn Thỉnh được xem là Nhà Nam bộ học đầu tiên của Việt Nam, ông đã giành cả cuộc đời để nghiên cứu về lịch sử, văn học, xã hội của vùng đất
Nam bộ. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục