Lũ trẻ sống quanh Hồ Gươm vào khoảng những năm 60 thế kỷ trước thường rủ nhau xuống hồ tắm trộm. Phải vụng trộm vì có ít nhất hai mối đe nẹt thường xuyên. Phụ huynh ở nhà dĩ nhiên nghiêm cấm và công an quanh hồ cũng thế. Phải chọn lúc cả hai mối đe nẹt ấy cùng đang thiu thiu giấc nồng. Và trời thì không quá lạnh.
Chỉ có thể là buổi trưa mùa hè. Trèo lên cây đa nghiêng chỗ tháp Hòa Phong, cây lộc vừng chín gốc và thành cầu Thê Húc thi nhau nhảy “que kem” xuống hồ. Chân xuống trước, tay ép sát mình. Kỹ thuật nhảy “que kem” đơn giản nhưng được đặt cho cái tên đầy thèm khát cũng là bởi kem que lúc ấy không phải đứa nào cũng được ăn.
Tắm trộm trên hồ không phải để cho sạch. Nước Hồ Gươm chưa bao giờ được coi là sạch với người lớn. Nhưng trẻ con khoái vô cùng. Nó hơn hẳn cái bể bơi toen hoẻn trong Câu lạc bộ thiếu niên phải mua vé vào cửa. Lại phải sắm quần bơi đúng quy định với lứa tuổi. Nhiều thiếu niên lỡ cỡ lún phún hàng ria xanh là bị đuổi thẳng cổ ra ngoài. Hồ Gươm những chỗ ấy không sâu. Lại có lớp bùn đáy dày hàng thước. Tồng ngồng nhảy xuống rất an toàn. Bơi vài sải là vào đến bờ. Lại leo. Lại nhảy. Cho đến lúc đông người qua lại thì thôi.
Những năm chiến tranh kéo dài sang thời kỳ bao cấp, Hà Nội thiếu nước sạch nghiêm trọng. Vòi nước lúc nào cũng chỉ tỉ tê rớt chảy ra như từ bình ngưng cất rượu. Nước máy ở gia đình dành cho những người ngoài biên chế nhà nước. Công nhân cán bộ phần lớn tắm ở cơ quan. Tuy nhiên cơ quan thì đông người mà nhà tắm chỉ có số lượng rất tượng trưng. Nữ cán bộ vắng chồng lúc tắm thường hay hát những bài dài dằng dặc. “Hoa đẹp Chăm pa” chẳng hạn. Nam giới cùng lắm chỉ huýt sáo thôi.
Chưa có thời kỳ nào dân Hà Nội kém tắm như thời kỳ này. Cổ áo sơ mi đen cháy tháo ra lộn mặt trái khâu vào. Bệnh viện da liễu trên phố Nguyễn Khuyến lúc nào cũng xếp hàng đông nghịt. Có bệnh nhân đến khám bác sĩ bắt phải về tắm đã rồi mới có chỗ để khám. Đến cơ quan dù trời nóng hay rét cũng mắt trước mắt sau nhảy ngay vào nhà tắm. Vừa trộm thời gian làm việc và cũng là trộm luôn cả nước máy công cộng nữa.
Hà Nội lúc ấy có khá nhiều nhà tắm công cộng thu tiền cả bốn mùa ở nhà ga, bến xe và trong phu phố cổ. Mùa hè 1 hào một thùng nước 30 lít. Mùa đông mua thêm phích nước sôi 2,5 lít giá 5 xu. Tắm gáo. Kì tay. Xà phòng khăn mặt phải tự mình mang theo. Người ở xa đến tắm chay không có hóa chất tẩy rửa và khăn mặt. Rùng mình rũ nước như vịt. Tất cả những nhà tắm công cộng đều kiêm thêm một chức năng thầm kín nữa. Khai mù mịt chảy nước mắt.
Giờ thì hầu như gia đình nào trong phố cũng đã có nhà tắm của riêng mình. Nước máy, bình nóng, bồn xông hơi massage cá nhân khá nhiều. Không mấy ai còn tắm ở cơ quan. Càng không có cảnh xếp hàng ở nhà tắm công cộng. Đơn giản vì không còn nhà tắm công cộng nào cả. Không còn đứa trẻ nào dám ra Hồ Gươm nhảy “que kem” nữa. Bệnh viện da liễu vắng teo. Áo sơ mi không còn ai lộn cổ. Khách sạn nhà nghỉ tư nhân mở ra đầy thành phố. Vài chục nghìn là có thể vào vừa tắm vừa hát vang cả tiếng đồng hồ. Cầu kỳ sang trọng hơn nữa có thể phóng xe lên vài khu tắm nước nóng thiên nhiên trên Phú Thọ. Tay mềm kỳ lưng, miệng cười mời mọc, ngà ngọc phơi ra.
Vài năm nay dân phố có phong trào “phượt” lên những vùng núi rừng phía bắc. Về nhà hãnh diện khoe nhau những tấm ảnh chụp trộm các thiếu nữ dân tộc tắm trần. Các nhiếp ảnh gia lười đi cũng thi nhau chụp nude trong studio. Thuê người cầm bình tưới cây phun nước giả như thiếu nữ đang tắm. Ảnh được in đầy trên báo chí.
Từ chỗ thiếu niên lún phún nhảy “que kem” trên cầu Thê Húc đến chụp ảnh nude trong studio là khoảng cách nửa thế kỷ. Thuần phong mỹ tục được nâng lên rất nhiều chứ không như lo lắng của các nhà đạo đức học.
11-2013
ĐỖ PHẤN