Ung thư vú là ung thư thường gặp hàng đầu ở phụ nữ hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả chăm sóc, điều trị bệnh ung thư này ngày càng được cải thiện nhiều hơn. Một trong các yếu tố góp phần làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú là tầm soát để phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm khi chưa có dấu hiệu biểu lộ của ung thư.
Cơ hội sống thêm ít nhất 5 năm từ 98% đến 100% cho các trường hợp ung thư vú tầm soát được ở giai đoạn có dấu hiệu (giai đoạn 0) và giai đoạn 1. Tầm soát ung thư vú giúp người bệnh có cơ hội được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn rất sớm, điều trị phẫu thuật thuận lợi hơn như có thể bảo tồn vú hoặc tái tạo vú, tránh phải mổ cắt bỏ hết một bên ngực hoặc cả hai bên.
Các chuyên gia khuyến cáo đối với phụ nữ không có yếu tố nguy cơ đặc biệt mắc bệnh ung thư vú có thể tự khám vú mỗi tháng ngay lúc bắt đầu từ 20 tuổi. Thời điểm thích hợp để tự khám vú là sau khi sạch “đèn đỏ” vài ngày. Lần đầu tiên tự khám vú nên được bác sĩ hướng dẫn đúng kỹ thuật. Tự khám vú có thể phối hợp với tư vấn và khám vú do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện mỗi 3 năm một lần. Nên lồng ghép khám vú vào các chương trình khám sức khỏe định kỳ.
Từ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần và có thể phối hợp với siêu âm vú đối với phụ nữ trẻ có mô vú dày. Đồng thời, nên tầm soát bằng chụp cộng hưởng từ (MRI) vú cho các phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú (đột biến gen, hội chứng dễ mắc ung thư vú, hoặc tiền căn xạ trị vào thành ngực do ung thư hạch) bắt đầu từ 30 tuổi.
TS-BS TRẦN VĂN THIỆP (BV Ung bướu TPHCM)